Xử phạt hơn 42,5 tỷ đồng về vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 10/10/2018 - Lượt xem: 5139

trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 24.603 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở; 3.926 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn… Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện là vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.

Theo Cục An toàn thực phẩm, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên.

Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng về sản phẩm vẫn chưa có cơ chế để kiểm soát.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định 178 trước đây sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018.

Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…

Ông Phong nhấn mạnh: “Quyền của doanh nghiệp lớn hơn thì trách nhiệm của doanh nghiệp cũng phải lớn hơn. Các địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm. Nếu phát hiện doanh nghiệp tự công bố an toàn thực phẩm không đúng mức giới hạn thì phải buộc doanh nghiệp tự thu hồi toàn bộ sản phẩm và phạt tiền. Tất cả những hoạt động đó phải làm quyết liệt, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm được sức khỏe của cộng đồng. Các địa phương cần tập trung vào các sản phẩm, lĩnh vực do ngành y tế quản lý, chú trọng đến các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, thức ăn đường phố… đặc biệt trong thời điểm gần kề Tết âm lịch”.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, các quy định luật pháp đưa ra không chỉ nhằm xử phạt mà còn tăng cường khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm an toàn, bảo vệ cho người dân. Trong suốt những năm qua, Nghị định 178 đã đóng góp rất nhiều trong quá trình thanh kiểm tra nhưng thực tế thì ngày càng biến đổi, những vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi, nghiêm trọng hơn trong khi mức xử phạt chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe.  

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 115 sẽ giúp cơ quan quản lý bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm, tăng mức xử lý vi phạm, tuy nhiên khi áp dụng cần linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể chứ không thể cứng nhắc.

Bà Lan cho biết: “Tăng cường xử phạt là một điều kiện cần, nhưng không phải là chìa khóa vạn năng, mà cần phải làm sao phát triển được nhiều thực phẩm sạch. Đối với những đối tượng thức ăn đường phố, hoặc hộ kinh doanh cá thể ở mức độ nhỏ, khi vi phạm và bị xử phạt thì làm sao phải có tình có lý. Mục tiêu cao nhất vẫn là làm sao để cho người dân sử dụng được thực phẩm sạch. Đối với đối tượng cố tình vi phạm, chây ì thì phải thực sự có tính răn đe”.

Bà Lan cho biết, qua hơn 8 tháng áp dụng việc doanh nghiệp tự công bố sản phẩm thực phẩm an toàn, TPHCM đã có khoảng 22.000 sản phẩm được công bố. Đây là con số rất lớn nên cần phải tăng cường hậu kiểm để các đơn vị doanh nghiệp nghiêm túc hơn.

Cũng trong chiều nay (9/10), Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã tiến hành tập huấn Nghị định 115 cho các quận huyện trong thành phố.

Theo Infonet.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top