Đây là đơn vị thứ 26 trong 30 đơn vị quận/huyện đã được thực hiện Chương trình tập huấn. Theo dự kiến, Chương trình tập huấn thu hút gần 10.000 đại biểu là đại diện thành viên Ban giám hiệu các trường, giáo viên, cán bộ phụ trách kế toán, kho, y tế trường và đại diện cha mẹ học sinh nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn cần thiết liên quan đến viêc triển khai chương trình Sữa học đường vào đầu năm 2019.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các đại biểu được phổ biến các kiến thức về thực trạng chiều cao của người Việt so với các nước trong khu vực, từ đó thấy được lợi ích và mục đích nhân văn lâu dài mà Chương trình sữa học đường nhắm đến để thấy được sự cần thiết thực hiện Đề án Sữa học đường tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nội dung quan trọng khác như thông tin về sản phẩm sử dụng trong chương trình, nội dung tiêu chuẩn thành phần dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng cũng được các báo cáo viên của Vinamilk trình bày, giải đáp để các giáo viên, phụ huynh yên tâm về đơn vị cung cấp sữa cho Chương trình. Ngoài ra, các báo cáo viên của Vinamilk cũng trình bày cụ thể các thông tin liên quan đến công tác triển khai để Chương trình sữa học đường được thực hiện một cách đồng bộ, an toàn từ khâu giao nhận sữa, lưu kho, triển khai uống sữa tại lớp đến khâu xử lý bao bì sau khi sử dụng xong.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Chương trình Sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện và đem lại nhiều lợi ích nhân văn. Do vậy, thông qua buổi tập huấn, ông Tiến hy vọng các thầy cô giáo sẽ có đầy đủ thông tin hơn để giải thích ý nghĩa của Chương trình sữa học đường tại Việt Nam cũng như tại các nước trên thế giới, thông tin về chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất tuân thủ các quy định, quy chuẩn quốc gia để có thể giải thích cho các bậc phụ huynh yên tâm khi lựa chọn tham gia chương trình.
Bình luận