Cơ quan chức năng Hà Nội thanh tra, kiểm tra VSATTP thức ăn đường phố tại Q.Tây Hồ
Theo ước tính, tại Việt Nam hiện nay có hàng trăm nghìn điểm cả "cố định" và "di động" trong sản xuất, kinh doanh TAĐP tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị, các khu du lịch, lễ hội và nơi tập trung đông người như bến tàu, bến xe, bệnh viện, trường học... Do việc sản xuất, kinh doanh TAĐP đòi hỏi ít vốn, không cần mặt bằng kinh doanh lớn, cho nên đã thu hút được hàng triệu người lao động tham gia hoạt động này, nhất là lực lượng lao động phổ thông, lao động có tính chất thời vụ.
Việc sản xuất, kinh doanh TAĐP hiện nay đang là vấn đề gây lo lắng, bức xúc cho người tiêu dùng do sản xuất, kinh doanh TAĐP thường chứa đựng nguy cơ cao về ô nhiễm thực phẩm, gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP), các bệnh truyền qua thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng; gây ô nhiễm môi trường, văn minh đô thị, trật tự và an toàn giao thông..., gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.
Số liệu thống kê từ năm 2006 đến nay, các vụ NĐTP do TAĐP thường chiếm từ 3,2 đến 5,7% trong tổng số vụ NĐTP mỗi năm. Riêng năm 2013, cả nước xảy ra 12 vụ NĐTP mà nguyên nhân bắt nguồn từ TAĐP khiến cho 763 người mắc và có chiều hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2014. Kết quả giám sát 24.046 mẫu thực phẩm TAĐP (năm 2013) do các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố thực hiện cho thấy: Có đến 26,5% mẫu nhiễm Coliform; 18,4% mẫu nhiễm E.Coli; 22,8% mẫu ôi, khét và 8,4% mẫu sử dụng hàn the...
Theo các chuyên gia, tác nhân gây ô nhiễm TAĐP chủ yếu là vi sinh vật, hóa chất độc hại. Ô nhiễm TAĐP được phát hiện từ nguyên liệu, phụ gia chế biến thức ăn; nguồn nước đá, nước sử dụng cho ăn uống; dụng cụ sơ chế, chế biến thức ăn, dụng cụ đựng thức ăn; môi trường nơi kinh doanh bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, ruồi, côn trùng; việc bảo quản, vận chuyển thức ăn không bảo đảm vệ sinh. Điều đáng lo ngại, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP thường là nhỏ lẻ, mang tính chất thời vụ, cho nên việc đầu tư trang thiết bị, các điều kiện bảo đảm ATTP không được các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư đúng mức và coi trọng. Trong khi đó, người tiêu dùng có thói quen "dễ dãi" khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm TAĐP, dù chung quanh nơi sản xuất, kinh doanh không thật sự bảo đảm vệ sinh...
Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) TS Trần Quang Trung cho biết: Tháng hành động vì chất lượng ATTP năm 2014 đã được triển khai trong cả nước từ ngày 15-4 đến 15-5, có chủ đề "ATTP thức ăn đường phố", với mục tiêu phấn đấu 100% số cơ sở kinh doanh TAĐP cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP; giảm 10% số vụ NĐTP do sử dụng TAĐP. Qua báo cáo sơ bộ của các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm trong dịp này cho thấy: Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại cấp theo hướng dẫn của T.Ư; triển khai việc ký cam kết tới các hộ sản xuất, kinh doanh TAĐP; tổ chức chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về những quy định của pháp luật đối với lĩnh vực này...
Điển hình như, qua kiểm tra tại bảy cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Đác Hà (tỉnh Kon Tum), đoàn phát hiện một số cơ sở vi phạm về ATTP như: Nội dung ghi nhãn không đúng quy định; không bảo đảm điều kiện vệ sinh khu vực chế biến, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP hết hiệu lực. Tại tỉnh Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ TAĐP, phát hiện và xử phạt 23 cơ sở, với số tiền phạt lên đến 73 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm cho thấy, hiện nay công tác quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh TAĐP ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là chỉ thực hiện một cách rầm rộ khi triển khai tháng hành động, hoặc các chiến dịch định kỳ trong năm. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn, còn tình trạng "phó mặc" và "coi đây là câu chuyện riêng của ngành y tế" trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là đối với tuyến quận, huyện, xã, phường. Tại nhiều địa phương, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu; trang thiết bị không đồng bộ; thiếu kinh phí. Việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan quản lý, cán bộ chuyên trách về ATTP tại địa bàn mình được phân công chưa được thực hiện một cách triệt để. Việc xử phạt các trường hợp có hành vi vi phạm về ATTP chưa nghiêm, chủ yếu vẫn là hình thức "nhắc nhở", thường dẫn đến tình trạng "nhờn", "đối phó" của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TAĐP...
Để góp phần giảm các vụ NĐTP do TAĐP gây ra, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này, TS Trần Quang Trung cho rằng: Trước hết, UBND các cấp cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác thông tin, truyền thông, giáo dục với mục tiêu chuyển đổi hành vi, nhận thức theo hướng bền vững và có trách nhiệm xã hội trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng TAĐP. Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm ATTP trong kinh doanh TAĐP, nhất là thanh tra liên ngành ATTP tại các cấp; khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm, công khai các vi phạm để cảnh báo cho người tiêu dùng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố hệ thống văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn hiệu quả, khả thi; nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của UBND các cấp; trách nhiệm của người kinh doanh TAĐP và người tiêu dùng. Kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng chuyên trách tại các cấp; phân công, phân cấp quản lý cụ thể; đầu tư đủ nhân lực, trang bị, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh TAĐP. Thực hiện tốt việc xây dựng mô hình kiểm soát điều kiện ATTP đối với các cơ sở kinh doanh TAĐP đang triển khai ở một số tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở những kết quả đạt được sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra cả nước.
Nguồn: Nhandan.com.vn
Bình luận