Trong 10 tháng qua, Chi cục Thú y thành phố đã xử lý hơn một nghìn trường hợp vi phạm. Trong đó có 24 tấn thịt heo “bẩn” không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kinh doanh, hơn một tấn thịt gà đã qua giết mổ không có giấy chứng nhận kinh doanh, có biểu hiện biến mầu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối và bảy tấn thịt gà đông lạnh không rõ nguồn gốc và đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn được dùng làm nguyên liệu chế biến chả lụa... Mới đây Chi cục Thú y thành phố lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của tám tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào thành phố để xét nghiệm, phát hiện phần lớn các mẫu đều chứa chất cấm dùng trong chăn nuôi. Qua kiểm tra tám cơ sở giết mổ trên địa bàn, kết quả cũng cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho lợn… đang ở mức báo động. Điều đáng lo hơn khi dự thảo Luật Thú y không còn quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh và thịt ngoại, khi đó các loại thịt này sẽ thoải mái lưu thông. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thú y sẽ không còn đủ công cụ để quản lý và người tiêu dùng sẽ phải chật vật chống chọi thịt “bẩn”.
Để hạn chế, ngăn chặn thịt “bẩn” tuồn ra chợ, thời gian qua, thành phố đã ra quân quyết liệt ngăn chặn các lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ lạc hậu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và cung ứng thực phẩm quy mô theo dây chuyền công nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, kiểm tra các loại thịt gia súc, gia cầm ngay từ các cửa ngõ vào thành phố, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, cần có giải pháp tạo nguồn thực phẩm an toàn cho cư dân. Hai năm trước, thành phố đã cho triển khai thực hiện đề án chuỗi thực phẩm an toàn, bao gồm các sản phẩm như rau quả của TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; thủy sản của TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp; nước mắm của Kiên Giang; thịt gà và trứng gà của Đồng Nai, Bình Dương; thịt heo của TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Hiện tại mỗi năm, các chuỗi thực phẩm an toàn đã cung cấp cho thành phố 129 triệu quả trứng gà, hơn chín nghìn tấn thịt gà, hơn tám nghìn tấn thịt heo; hơn 17.000 tấn rau quả và hơn một nghìn 500 tấn thủy sản... Tổng cộng ước đạt hơn 37 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, với thành phố xấp xỉ 10 triệu dân, số lượng thực phẩm an toàn mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần tăng cường ký kết với các tỉnh, thành phố khác để quản lý và có thêm nguồn nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân theo cách đã làm trong hai năm qua. Một hướng khác là đa dạng hóa nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn và tập trung quản lý chặt chất lượng thực phẩm ngay tại các nguồn cung đó. Có thể mở rộng và xây dựng thêm các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm theo hướng vài ba quận, huyện có một chợ đầu mối. Các sản phẩm ở chợ phải có nguồn gốc, xuất xứ và được kiểm định đầy đủ theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các quận, huyện chỉ được nhập hàng từ các chợ này để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi và xử lý khi có sự cố. Các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát chất lượng ở chợ đầu mối trước khi phân phối ra trị trường các quận, huyện. Mỗi quận, huyện lại có các đầu mối phân phối về các xã, phường. Cứ thế, thành phố sẽ có thêm một kênh cung cấp thực phẩm an toàn, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục phát triển chuỗi thực phẩm an toàn như tăng sản lượng của các đơn vị hiện có, đưa vào chuỗi thực phẩm các đơn vị tiềm năng đã qua khảo sát; đưa các đơn vị tham gia chương trình kết nối cung cầu và bình ổn giá vào chuỗi…
Tóm lại, cần đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm an toàn để người dân không còn phải dùng thực phẩm bẩn vì thiếu thực phẩm sạch.
Nguồn: nhandan.org.vn
Bình luận