Mặt trận tham gia giám sát về an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 24/02/2016 - Lượt xem: 16160

Ngày 23/2, đoàn công tác của MTTQ Việt Nam và nhiều bộ, ngành đã về tỉnh Hà Nam để khảo sát các mô hình sản xuất an toàn nhằm có cơ sở thực tiễn, nâng cao nhận thức của người dân nhằm loại bỏ sản xuất không an toàn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại tỉnh Hà Nam. Ảnh VGP/Hoàng Long.

Tại tỉnh Hà Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã đi thăm một số mô hình sản xuất, bảo quản nông sản, thực phẩm sạch của tỉnh như mô hình sản xuất cây trồng chất lượng cao cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội và nội tỉnh của Công ty cổ phần An Phú Hưng tại xã Nhân Khang và mô hình nuôi bò sữa sạch tại xã Nhân Bình đều thuộc huyện Lý Nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết, tỉnh nhận thức rất rõ, phát triển nông nghiệp sạch là một hướng đi mới để phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đơn cử tại mô hình sản xuất rau sạch của Công ty cổ phần An Phú Hưng, tỉnh đã hỗ trợ về hạ tầng đến tận hàng rào của dự án. Đến nay, đã có 21,5 ha rau sạch vào thời kỳ thu hoạch, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội.

Ông Dũng cho biết sản lượng rau sạch của dự án này trong năm 2015 là gần 500 tấn, có hiệu quả gấp 10 lần phương thức sản xuất truyền thống. Điều quan trọng là toàn bộ sản phẩm đều được cơ quan giám định của Nhật Bản kiểm nghiệm.

Ngoài dự án này, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có một số dự án sản xuất rau củ quả sạch, công nghệ cao hay mô hình nông nghiệp thông minh. Ngoài rau củ, tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh nuôi bò sạch, lợn sạch và dự kiến đến năm 2020, Hà Nam có khoảng 15.000 bò sữa, 10.000 bò thịt…

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng khẳng định, tỉnh đã có cơ chế ưu đãi đầu tư hạ tầng khung trong và ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ chế ưu đãi về thuế, đất... để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Các doanh nghiệp này sẽ đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân, tạo sự lan tỏa trong dân, thu hút nông dân tham gia chuỗi sản xuất, hướng tới xuất khẩu cũng như cung cấp thực phẩm sạch cho người dân. Hà Nam cũng đã mở cuộc vận động về thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng, coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, điều nan giải nhất hiện nay nằm ở khâu chế biến khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của người dân không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Hơn nữa, sản phẩm nông sản sạch có thương hiệu chưa nhiều, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch còn nhỏ lẻ, chưa mở rộng là những khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nam.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, ngay từ đầu năm 2014, khi Mặt trận bắt đầu triển khai chương trình giám sát thì Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đều đề nghị Mặt trận sớm giám sát về ATTP. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi kinh nghiệm giám sát đã ổn hơn, Mặt trận mới vào cuộc.

Đánh giá cao tỉnh Hà Nam đã mở ra cuộc vận động "Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng con người Hà Nam văn hóa, thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng'', coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới, người đứng đầu MTTQ Việt Nam nêu rõ, kết quả đạt được từ những mô hình, đề án trong sản xuất nông sản sạch có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở và người dân, tạo hiệu ứng tích cực từ sản xuất đến tiêu dùng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tình trạng người dân có hai mảnh đất trồng rau, phần để ăn, phần để bán riêng rẽ là hành vi đầu độc người tiêu dùng, đầu độc chính người Việt mình, là không có đạo đức, văn hóa, nhân văn. Đồng thời, trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, hàng hóa Việt Nam dù rẻ nhưng không tạo được niềm tin về ATTP thì sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình sản xuất rau sạch ở Hà Nam. Ảnh VGP/Hoàng Long.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, phát triển nông nghiệp hiện nay phải gắn với bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm ATTP. Mỗi địa phương cần có những cơ chế mang tính sáng tạo, đột phá để bảo đảm mục tiêu này. Tới đây, Mặt trận sẽ thí điểm tọa đàm ở một số khu dân cư về vấn đề sản xuất bảo đảm ATTP để làm rõ, nếu tất cả người dân trong một thôn đều tham gia sản xuất sạch thì họ được lợi gì, đồng thời chỉ ra cơ chế để người sản xuất phát triển.

Đối với tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao qua việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cùng với các chính sách khuyến khích rõ ràng để phát triển nông nghiệp.

Đồng thời cũng đề nghị tỉnh quan tâm, coi việc đưa tiêu chí “xây dựng con người Hà Nam văn hóa sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng” là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới; tìm ra giải pháp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản; quan tâm, giám sát chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh để bảo đảm niềm tin của nhân dân về ATTP; tuyên truyền, vận động người dân hiểu được cần nuôi, trồng, bảo đảm tiêu dùng vì bản thân, gia đình và xã hội.

Ngoài ra, trong tiêu chí gia đình văn hóa, cần xác định tiêu chí không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. "Không thể chấp nhận gia đình văn hóa nếu cố tình trồng và nuôi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Từ Lương - baochinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top