Giải đáp nội dung các câu hỏi tại Hội thảo chuyên môn về an toàn thực phẩm, cập nhật ngày 8/9/2017

Ngày đăng: 15/08/2017 - Lượt xem: 31994

Giải đáp nội dung các câu hỏi tại Hội thảo chuyên môn về an toàn thực phẩm

Câu 1: Trường hợp nếu Cục ATTP chưa xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, PGTP, TPCN… với hình thức quảng cáo hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm thì Chi cục ATVSTP có được tiếp nhận thẩm định tài liệu quảng cáo thực phẩm đó và thu phí thẩm định hồ sơ hay không?

Trả lời:

Theo Điểm b Khoản 3 Điều 12 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này tổ chức trên địa bàn.

Do đó, Chi Cục ATVSTP tại địa phương có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thông qua hình thức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm thực phẩm tổ chức trên địa bàn mình và thu phí thẩm định hồ sơ (theo quy định tại Thông tư 279/2016/TT-BTC).

Câu 2: Thời hạn cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm được bao lâu? Doanh nghiệp xin xác nhận nội dung quảng cáo trong hội nghị, hội thảo trong thời gian kéo dài trên 01 năm hoặc 02 năm thì Chi cục có được cấp không?

Trả lời

Theo Phụ lục 03 của Thông tư 09/2015/TT-BYT không quy định ghi về thời gian hiệu lực của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, căn cứ quy định Khoản 3 Điều 23 của Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định: Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hết hiệu lực sử dụng khi:

a) Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hết hiệu lực;

b) Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

c) Sản phẩm, hàng hoá có những thay đổi về thành phần hoặc công dụng;

d) Sản phẩm, hàng hóa bị đình chỉ lưu hành hoặc bị thu hồi.

Do đó, hiệu lực của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo (bao gồm cả quảng cáo đối với hình thức hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm) sẽ được tính kể từ ngày ký duyệt cho đến khi gặp ít nhất 1 trong 4 trường hợp theo quy định của Khoản 3 Điều 23 Thông tư 09/2015/TT-BYT đã kể trên.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp xin xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm thì tại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cần nêu rõ thời gian, địa điểm cụ thể dự kiến tổ chức, báo cáo viên. Trong đó, thời gian tổ chức không được vượt quá hiệu lực của Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Câu 3: Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành Bộ Y tế: Không thấy điều khoản quy định điều kiện con người, vậy điều kiện con người áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định ở văn bản nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 3 Nghị định 67/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành Bộ Y tế quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, cụ thể: “Trong quá trình sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm”.

Tại Luật An toàn thực phẩm; Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Thông tư 16/2012/TT-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế còn hiệu lực ngoài quy định về điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ còn có yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Vì vậy, điều kiện con người áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên.

Câu 4: Căn cứ Quyết định 12/2014/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành (80.000đ/ngày/ người). Vậy, cán bộ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành tại Chi cục ATVSTP địa phương có được bồi dưỡng theo mức như trên hay không? Nếu được bồi dưỡng thì trong trường hợp nào?

Trả lời:

Đối tượng áp dụng của Quyết định 12/2014/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ là Cơ quan được giao thực hiên chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và Công chức thanh tra chuyên ngành (Chi cục ATVSTP địa phương thuộc đối tượng này); chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành được tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quyết định thanh tra hoặc quyết định phân công công chức tiến hành thanh tra độc lập của người có thẩm quyền. Mức bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành là 80.000 đồng/ngày, do cơ quan, đơn vị ra quyết định thanh tra chi trả.

Để được thực hiện chế độ này, đề nghị Chi cục ATVSTP các địa phương xây dựng dự toán chi ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Câu 5: Trong bản thông tin chi tiết về sản phẩm, doanh nghiệp không kê khai công bố chỉ tiêu chất lượng chủ yếu thì hồ sơ đó có hợp lệ hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP (tại Mẫu số 03a, 03b, 03c Phụ lục của Nghị định) quy định trong Bản thông tin chi tiết sản phẩm phải kê khai các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu vì những chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng là những chỉ tiêu để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nếu hồ sơ không kê khai công bố chỉ tiêu chất lượng chủ yếu thì hồ sơ đó chưa đạt yêu cầu, cần phải bổ sung làm rõ.

Câu 6: Đơn vị kiểm nghiệm A không được chỉ định (hoặc công nhận) nhưng có hợp đồng với đơn vị kiểm nghiệm B được chỉ định của Bộ Y tế. Vậy đơn vị A có đứng ra chịu trách nhiệm trả kết quả kiểm nghiệm cho các cơ sở được không?

Trả lời:

Phiếu kết quả kiểm nghiệm của cơ sở kiểm nghiệm có thể có một hoặc nhiều chỉ tiêu được công nhận ISO 17025/chỉ định hoặc chưa được công nhận/chỉ định hoặc có hợp đồng thầu phụ với đơn vị khác, tuy nhiên các chỉ tiêu này phải được có ký hiệu để nhận biết, phân biệt loại chỉ tiêu trên phiếu kiểm nghiệm.

Đối với phiếu kết quả kiểm nghiệm của đơn vị A không được chỉ định hoặc công nhận (dù có sử dụng kết quả kiểm nghiệm của nhà thầu phụ B đã được công nhận hoặc chỉ định) sẽ không được chấp nhận sử dụng trong công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP và Thông tư 19/2012/TT-BYT.

Câu 7: Đề nghị Cục ATTP cung cấp danh sách các đơn vị được chỉ định và được công nhận ISO 17025 về xét nghiệm thực phẩm. Đối với các phòng kiểm nghiệm được chỉ định thì có cần danh mục cụ thể của từng chỉ tiêu đạt ISO 17025 hay không?

Trả lời:

- Đối với các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định: Cục An toàn thực phẩm đã đăng tải danh sách các cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước kèm danh mục chỉ định trên website của Cục An toàn thực phẩm http://vfa.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-cac-co-so-duoc-chi-dinh-kiem-nghiem-phuc-vu-quan-ly-nha-nuoc-ve-an-toan-thuc-pham.html (có danh sách kèm theo).

- Đối với các cơ sở kiểm nghiệm được công nhận ISO/IEC 17025:2005: Đề nghị tra cứu danh sách cơ sở được công nhận và danh mục chỉ tiêu công nhận trên website của văn phong Công nhận chất lượng http://www.boa.gov.vn/vi/tim-kiem-thi-nghiem.

 

Danh sách các cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Tính đến 16/8/2017

STT

TÊN CƠ SỞ KIỂM NGHIỆM

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

MÃ SỐ ĐƠN VỊ ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH

QUYẾT ĐỊNH

1

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc Gia

65 Phạm Thận Duật, Cầu Giấy, Hà Nội

SĐT: 04.39335741

Fax: 04.39335738

01/2014/BYT-KNTP

609/QĐ-ATTP

2

Viện Dinh dưỡng

48B Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội

SĐT: 04.39717090

Fax: 04.39717885

02/2014/BYT-KNTP

610/QĐ-ATTP

3

Viện Y tế công cộng Hồ Chí Minh

159 Hưng Phú, Q. 8, TP. HCM

SĐT: 08. 38559503

Fax: 08. 38563164

03/2014/BYT-KNTP

611/QĐ-ATTP

4

Viện Pasteur Nha Trang

8-10 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa

SĐT: 058.3822406

Fax:

04/2014/BYT-KNTP

612/QĐ-ATTP

5

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

34 Phạm Hùng, P. Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk

SĐT:  0500.3852.694

Fax: 0500.3852423 

05/2014/BYT-KNTP

613/QĐ-ATTP

6

Trung tâm Y tế dự phòng Lâm Đồng

04 Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

SĐT: 063.3823638

Fax: 063.3827512

06/2014/BYT-KNTP

614/QĐ-ATTP

7

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận

Số 04 Nguyễn Hội, Phan Thiết, Bình Thuận.

SĐT: 062.3822390  

Fax: 062.3822766

07/2014/BYT-KNTP

660/QĐ-ATTP

8

Trung tâm Y tế dự phòng Bình Thuận

Đường Lê Duẩn, TP. Phan Thiết, Bình Thuận.

SĐT: 062.3821434

Fax:  062.3824447

08/2014/BYT-KNTP

661/QĐ-ATTP

9

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

611B Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn, Bình Định.

SĐT: 056.3547492

Fax: 056.3647464

09/2014/BYT-KNTP

756/QĐ-ATTP

10

Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng

Số 21 Lê Đại Hành, Q. Hồng Bàng, Hải Phòng

SĐT: 031.3821247

Fax: 031.3810097

10/2014/BYT-KNTP

826/QĐ-ATTP

11

Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh

651 Lê Thánh Tông, P. Bạch Đằng, Hạ Long, Quảng Ninh

SĐT: 033.3825449

Fax: 033.3556620

11/2015/BYT-KNTP

231/QĐ-ATTP

12

Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 1

Số 51 Lê Lai, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng

SĐT: 031.3837124

Fax: 031.383750

12/2015/BYT-KNTP

232/QĐ-ATTP

13

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương

Số 1, Đường Vũ Hựu, TP. Hải Dương, Hải Dương

SĐT: 0320.3891799

 Fax: 0320.3891897

13/2015/BYT-KNTP

394/QĐ-ATTP

14

Trung tâm Kiểm nghiệm Sơn La

Số 48 Lò Văn Giá, TP. Sơn La, Tỉnh Sơn La

SĐT:022.3852523

Fax: 022.3852523/ 3856339

15/2015/BYT-KNTP

593/QĐ-QTTP

15

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế

17 Trương Định , TP. Huế

SĐT: 054.3831470

Fax : 054.3936272

14/2015/BYT-KNTP

594/QĐ-ATTP

16

Công ty TNHH Eurofins sắc ký Hải Đăng

79 Trương Định, Q.1, TP. Hồ Chí Minh

SĐT: 08.38239 643 / 8248 814

Fax: 08.38239872

16/2015/BYT-KNTP

638/QĐ-ATTP

17

Trung tâm Y tế dự phòng Yên Bái

729 Đường Yên Ninh, Tỉnh Yên Bái

17/2015/BYT-KNTP

902/QĐ-ATTP

18

Trung tâm Y tế dự phòng Bắc Giang

Đường Nghĩa Long - P. Trần Phú - TP. Bắc Giang

SĐT: 0204.3.824 960

Fax: 0204.3.854 246

18/2016/BYT-KNTP

31/QĐ-ATTP

19

Trung tâm Kỹ thuật thí nghiệm và Ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp

Đường Bờ Kè, Phường 1 , TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp

SĐT: 067.3 851 833

Fax:  067.3 852 731

19/2016/BYT-KNTP

152/QĐ-ATTP

20

Công ty Cổ phần Warrantek

44-46 Đường số 8, KDC 586, KV Thạnh Thuận, phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, Tp.Cần Thơ

20/2016/BYT-KNTP

783/QĐ-ATTP
30/12/2016

21

Công ty SGS Việt Nam TNHH

Lô III/21, đường 19/5A, Nhóm CN III, Khu công nghiệp Tân Bình, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp.Hồ Chí Minh

21/2016/BYT-KNTP

782/QĐ-ATTP
30/12/2016

22

Công ty TNHH Bureau Veritas Consumer Products Services VN

Lô C7-C9 Cụm 2, Khu công nghiệp Cát Lái, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

22/2016/BYT-KNTP

784/QĐ-ATTP
30/12/2016

23

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1

Số 8 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội

23/2016/BYT-KNTP

781/QĐ-ATTP
30/12/2016

24

Trung tâm dịch vụ phân tích và thí nghiệm Tp.HCM

02 Nguyễn Văn Thủ, phường ĐaKao, Quận 1, Tp.HCM

24/2016/BYT-KNTP

779/QĐ-ATTP
30/12/2016

25

Trung tâm dịch vụ phân tích và thí nghiệm Tp.HCM- Chi nhánh Cần Thơ

Số F2 67-68 Đường 6, phường Phú Thứ, Cái Răng, Cần Thơ

25/2016/BYT-KNTP

780/QĐ-ATTP
30/12/2016

25

Trung tâm dịch vụ phân tích và thí nghiệm Tp.HCM- Chi nhánh Cần Thơ

Số F2 67-68 Đường 6, phường Phú Thứ, Cái Răng, Cần Thơ

25/2016/BYT-KNTP

780/QĐ-ATTP
30/12/2016

26

Trung tâm Y tế dự phòng Kon Tum

405 Bà Triệu, Quyết Thắng, Tp. Kon Tum, Kon Tum, Việt Nam

26/2017/BYT-KNTP

264/QĐ-ATTP

26/4/2017

27

Trung tâm Y tế dự phòng Thái Nguyên

971 Đường Dương Tự Minh, P. Hoàng Văn Thụ, Tp. Thái Nguyên

27/2017/BYT-KNTP

289/QĐ-ATTP 08/5/2017

28

Công ty TNHH 1 thành viên Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ

169B Thích Quảng Đức, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

28/2017/BYT-KNTP

355/QĐ-ATTP 02/6/2017

29

Viện Sốt rét-ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương

35 Trung Văn - Phường Trung Văn - Quận Nam Từ Liêm - Tp. Hà Nội

29/2017/BYT-KNTP

392/QĐ-ATTP

20/6/2017

30

Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh

53-55 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh

30/2017/BYT-KNTP

505/QĐ-ATTP

24/7/2017

 

Câu 8: Trường hợp trên nhãn sản phẩm có ghi những chứng nhận đạt được tại thời điểm công bố sản phẩm còn hiệu lực (ví dụ; hàng Việt Nam chất lượng cao, Huy chương chất lượng…), nhưng sau một thời gian giấy chứng nhận hết hạn nhưng công bố sản phẩm còn hiệu lực thì việc ghi các chứng nhận đó còn hợp pháp không? Trường hợp này yêu cầu doanh nghiệp ghi như thế nào cho đúng?

Trả lời:

Doanh nghiệp được phép sử dụng nhãn sản phẩm đã được cấp giấy Xác nhận công bố phù hợp hoặc Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy có các nội dung ghi nhãn đã được phê duyệt với điều kiện luôn phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm như đã công bố.

Lưu ý: khi tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm, nếu trên nhãn sản phẩm có ghi những chứng nhận, giải thưởng thì cần phải ghi rõ năm đạt được chứng nhận, giải thưởng đó.

Câu 9: Nghị định 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực thì có bãi bỏ với Điều 17 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP hay không?

Trả lời:

Thực phẩm là sản phẩm đặc thù thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2, do đó việc ghi nhãn đối với hạn sử dụng phải tuân theo quy định của Luật an toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Tại Điều 17 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định cụ thể sản phẩm thực phẩm được ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày…” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm, trong khi đó, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP chỉ quy định về cách thức ghi nhãn đối với trường hợp này mà không quy định cụ thể trong trường hợp nào sản phẩm thực phẩm được phép ghi sử dụng tốt nhất trước ngày.

Vì vậy, đối với việc ghi nhãn “sử dụng tốt nhất trước ngày” sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP đồng thời tuân thủ quy định về cách thức ghi theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Câu 10: Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT không bắt buộc ghi cảnh báo về ATTP trên nhãn, tuy nhiên trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP lại quy định bắt buộc. Vậy nhãn hiện tại đã được duyệt và thực hiện theo Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT thì có bắt buộc bổ sung về cảnh báo về an toàn thực phẩm hay không?

Trả lời:

Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, theo đó thì nội dung cảnh báo về an toàn thực phẩm không phải là nội dung bắt buộc mà nội dung này sẽ do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định và thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Câu 11: Đối với cách ghi thành phần trên nhãn của sản phẩm thực phẩm: Nghị định 43/2017/NĐ-CP có yêu cầu bắt buộc phải ghi định lượng thành phần khi tên thành phần đó được ghi trên nhãn hàng hóa để gây chú ý. Vậy đối với những sản phẩm thực phẩm chỉ cấu tạo từ 1 nguyên liệu (như sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền) có bắt buộc phải ghi thành phần không? (Trước đây trong Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT trường hợp này không yêu cầu bắt buộc).

Trả lời:

Đối với những sản phẩm thực phẩm chỉ cấu tạo từ một (01) nguyên liệu (như sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền) thì việc ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu cấu tạo nên sản phẩm này và không phải ghi định lượng cạnh tên nguyên liệu.

Chỉ những thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng (theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP). Ví dụ: 1 sản phẩm có thành phần là bột mỳ, sữa bột tách kem, đường, muối, can xi, vitamin... và trên nhãn sản phẩm có ghi cụm từ "Hàm lượng Can xi cao" thì phải ghi Thành phần như sau: Bột mỳ, sữa bột tách kem, đường, muối, can xi (10 mg), vitamin...

Câu 12: Theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP thì: Dầu thực vật phải tăng cường vitamin A, bột mỳ phải tăng cường Fe, Zn. Vậy hàm lượng cần bổ sung các vi chất này quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thì: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm;) Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.

Hiện nay, hàm lượng các vi chất dinh dưỡng được bổ sung vào các thực phẩm này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: QCVN 9-1:2011/BYT đối với muối I-ốt và QCVN 9-2:2011/BYT về thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Câu 13: Hiện trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở đã công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho các sản phẩm bột mì thông thường theo quy định và cho đến nay các hồ sơ này vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP, các cơ sở này muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng vào các loại bột mì nêu trên thì có phải bãi bỏ các hồ sơ cũ và thực hiện lại việc công bố sản phẩm mới hay không?

Nếu vẫn cho tiếp tục sử dụng hồ sơ công bố cũ, thì Chi cục có thể yêu cầu cơ sở nộp kết quả kiểm nghiệm định lượng các vi chất bổ sung và Chi cục ATVSTP ban hành văn bản xác nhận các sản phẩm nêu trên có tăng cường vi chất theo quy định hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP thì bột mỳ tăng cường vi chất dinh dưỡng sẽ bắt buộc áp dụng từ ngày 15/3/2018 và kể từ ngày này doanh nghiệp sẽ phải thực hiện công bố sản phẩm mới. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định Khoản 5 Điều 10 của Nghị định này, thì đối với các sản phẩm bột mỳ đã sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trước ngày 15/3/2018 vẫn được tiếp tục lưu thông theo hạn sử dụng ghi trên bao bì của sản phẩm đó.

Câu 14: Một số phụ gia thực phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm thì có yêu cầu cơ sở bắt buộc phải xét nghiệm tất cả các phụ gia sử dụng mới được cấp công bố hay không?

Trả lời:

Trong quá trình công bố sản phẩm thực phẩm, doanh nghiệp không bắt buộc phải kiểm nghiệm các phụ gia sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo phụ gia thực phẩm sử dụng và công bố phù hợp với các quy định hiện hành, doanh nghiệp phải đảm bảo:

- Sử dụng phụ gia thực phẩm theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư 08/2015/TT-BYT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BYT.

- Ghi nhãn phụ gia thực phẩm thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCTHướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn.

Câu 15: Các phụ gia như chất tạo hương. Hiện tại chưa ban hành quy định về mức giới hạn thì căn cứ pháp lý nào để đối chiếu mức giới hạn cho phép. Đề nghị Cục hướng dẫn cho địa phương về công bố, ghi nhãn đối với chất tạo hương có trong thành phần thực phẩm.

Trả lời:

Việc công bố và ghi nhãn đối với chất tạo hương trong thực phẩm được thực hiện như sau:

- Hiện nay, danh mục các chất tạo hương được phép sử dụng trong thực phẩm vẫn được thực hiện theo Quyết định 3742/QĐ-BYT ngày 31/8/2001 của Bộ Y tế.

- Nguyên liệu chất tạo hương sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm phải được cấp giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Việc sử dụng chất tạo hương trong sản phẩm thực phẩm cần căn cứ vào hướng dẫn sử dụng trong hồ sơ chất tạo hương đã được cấp giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.

- Việc ghi nhãn chất tạo hương trong sản phẩm thực phẩm thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT Hướng dẫn ghi nhãnhàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn.

Câu 16: Kính phí chương trình Dân số - Y tế năm nay (2017) có hay không? Nếu có cấp về cho các Chi cục thì khi nào mới có? Đề nghị Cục An toàn thực phẩm có văn bản hướng dẫn kế hoạch và chỉ tiêu chuyên môn để địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động năm và giao chỉ tiêu chuyên môn về ATTP cho tuyến dưới.

Trả lời:

- Ngày 13/6/2017, văn phòng Chính phủ đã có Công văn đồng ý tạm ứng (lần 2) hơn 400 tỷ đồng cho Bộ Y tế để thực hiện và quyết toán trong năm 2017 từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2016 (mà chưa phân bổ).

- Ngày 31/7/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1125/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

Căn cứ vào 02 văn bản trên, hiện nay Bộ Y tế đang chờ Bộ Tài chính có Công văn chính thức về việc phân bổ kinh phí năm 2017 (gồm kinh phí tạm ứng lần 2 năm 2016 và kinh phí của năm 2017) cho Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Sau đó, Bộ Y tế sẽ thông báo kinh phí cụ thể cho Dự án An toàn thực phẩm và hoạt động truyền thông (thuộc Dự án 8), Cục An toàn thực phẩm sẽ xây dựng phương án phân bổ kinh phí kèm theo kế hoạch và chỉ tiêu chuyên môn cho các địa phương, bộ/ngành liên quan theo đúng quy định hiện hành.

Câu 17: Khi cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, hoặc sự kiện giới thiệu sản phẩm cho 01 sản phẩm (01 hồ sơ) của 1 đơn vị, thì Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của sản phẩm đó có thể dùng trong tất cả chương trình hội thảo, hội nghị khác nhau (có thời gian, địa điểm khác nhau) trên địa bàn tỉnh đó theo kế hoạch đăng ký của đơn vị/ doanh nghiệp đó không?

Trả lời

Khi cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm cho 01 sản phẩm (01 hồ sơ) của 1 đơn vị, thì Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của sản phẩm đó có thể dùng trong tất cả chương trình hội thảo, hội nghị khác nhau (có thời gian, địa điểm khác nhau) trên địa bàn tỉnh đó theo kế hoạch đăng ký của đơn vị/ doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cần kiểm tra, đối chiếu thời gian (ngày/tháng/năm) tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện do doanh nghiệp tự kê khai trên Đơn đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải phù hợp với thời hạn hiệu lực của giấy xác nhận nội dung quảng cáo của sản phẩm.

Căn cứ Điều 13 và Khoản 3 Điều 23 Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25/05/2015 của Bộ Y tế,  các trường hợp hết hiệu lực sử dụng của giấy xác nhận nội dung quảng cáo quy định như sau:

a) Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hết hiệu lực;

 b) Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

c) Sản phẩm, hàng hoá có những thay đổi về thành phần hoặc công dụng;

d) Sản phẩm, hàng hóa bị đình chỉ lưu hành hoặc bị thu hồi.

Câu 18: Khoản 1, Điều 13, Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định hồ sơ được làm thành 01 bộ, vậy khi trả kết quả giấy xác nhận nội dung quảng cáo có cần trả đính kèm theo nội dung quảng cáo đã được phê duyệt, xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (đóng dấu giáp lai); Danh sách báo cáo viên (tên, số bằng); chương trình hội thảo, hội nghị (tên, thời gian, địa điểm cụ thể) hay không?

Trả lời

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 13 của Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định “Nếu quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình thì phải có 03 bản maket nội dung dự kiến quảng cáo in màu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo. Nếu quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện,ngoài các tài liệu quy định tại điểm này phải có các tài liệu: mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực (trong trường hợp mẫu quảng cáo đã được phê duyệt nội dung), chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian (ngày tháng năm), địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày, phát cho người dự; bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên”.

Tại tiết d khoản 3 của Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định “Các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải còn hiệu lực, là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu, dấu giáp lai của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo.

Vì vậy khi trả kết quả giấy xác nhận nội dung quảng cáo cần trả đính kèm theo nội dung quảng cáo đã được phê duyệt, xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (đóng dấu giáp lai giữa Giấy và nội dung quảng cáo được xác nhận); Danh sách báo cáo viên; chương trình hội thảo, hội nghị (tên, thời gian, địa điểm cụ thể) theo quy định tại Phụ lục 03 của Thông tư 09/2015/TT-BYT.

Câu 19: Trong trường hợp hội nghị khách hàng của một công ty dược có trưng bày nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng thì có cần phải làm hồ sơ quảng cáo hay không?

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 16/2012/QH13 “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.  Do đó, hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng nêu trên là hoạt động quảng cáo và cần thực hiện đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thông qua hình thức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BYT và các quy định hiện hành về quảng cáo.

Câu 20: Thông tư số 279/2016/TT-BTC về thu phí thay thế Thông tư 149/2013/TT-BTC. Vậy thay thế ở đây là thay thế hoàn toàn hay chỉ thay thế một phần theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC quy định? đề nghị Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn cho các Chi cục.

Trả lời

Thông tư 279/2016/TT-BTC ban hành ngày 14/11/2016 có hiệu lực từ 01/01/2017 thay thế hoàn toàn Thông tư 149/2013/TT-BTC.

Đối với biểu số 3 thuộc Thông tư 149/2013/TT-BTC về mức thu phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện theo Luật phí, lệ phí sẽ phải chuyển sang cơ chế giá. Các đơn vị kiểm nghiệm phải xây dựng và trình Bộ Y tế để tổng hợp gửi Bộ Tài chính.

Câu 21:Theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP có quy định từ ngày 15/3/2017 tất cả các sản phẩm muối phải bổ sung vi chất dinh dưỡng. Hiện nay chưa có Thông tư hướng dẫn. Như vậy, phải hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP như thế nào?

Trả lời

Hiện nay, việc tăng cường I ốt đối với muối ăn và muối dùng để chế biến thực phẩm sẽ thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về KIO3 và muối tăng cường I-ốt:     

- Thông tư số 03/2011/TT-BYT ngày 13/01/2011 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 3-6:2011/BYT) đối với các chất được sử dụng để bổ sung Iod vào thực phẩm (KIO3).

- Thông tư số 04/2011/TT-BYT ngày 13/01/2011 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 9-1:2011/BYT) đối với muối Iod.

Câu 22:Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành lập Đoàn thanh kiểm tra liên nghành có mời Chi cục ATVSTP tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra tại cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có lấy mẫu để kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện như vậy có đúng quy định không?

Trả lời

Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ trì kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai (thuộc phạm vi quản lý của Chi cục ATVSTP) mà không căn cứ vào kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân hoặc Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố, trực thuộc Trung ương phê duyệt là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 01/12/2015 quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Câu  23: Đối với một số loại sản phẩm thực phẩm đã có TCVN, tuy nhiên thời gian có thể ban hành trước hoặc sau thời gian ban hành Quyết định 46/2007/QĐ-BYT và các quy chuẩn kỹ thuật về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng, độc tố vi nấm… Trường hợp này nên áp dụng các mức giới hạn an toàn đối với chỉ tiêu vi sinh vật, kim loại nặng theo văn bản nào?

Trả lời

Mức giới hạn an toàn đối với chỉ tiêu vi sinh vật và kim loại nặng:

1. Mức giới hạn an toàn đối với chỉ tiêu vi sinh vật áp dụng theo QCVN 8-3:2012/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm, đối với các nhóm thực phẩm chưa có quy định tại QCVN 8-3:2012/BYT áp dụng các chỉ tiêu vi sinh vật theo Quyết định 46/2007/QĐ-BYT (căn cứ theo Mục IV của QCVN 8-3:2012/BYT).

2. Mức giới hạn an toàn đối với chỉ tiêu kim loại nặng áp dụng theo QCVN 8-2:2011/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

Câu 24: Đề nghị Cục hướng dẫn về xây dựng tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam để công bố (đối với các sản phẩm đặc thù riêng của địa phương).

Trả lời

Đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù riêng của địa phương, căn cứ theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đề nghị các địa phương chủ động lập kế hoạch và triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP), cụ thể như sau:

- Mẫu kế hoạch, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hànhQCĐP thực hiện theo Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN về hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 30/2011/TT-BKHCNsửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN.

- Nguồn kinh phí, nội dung chi và định mức chi cho hoạt động xây dựng QCĐP: theo Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCNHướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật.

Câu 25: Hàm lượng As vô cơ trong nước mắm được quy định cụ thể là bao nhiêu? (vì trong QCVN 8-2:1010/BYT chỉ ghi là hàm lượng As).

Trả lời

  Quy định đối với hàm lượng As trong nước mắm tại QCVN 8-2:2011/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm là quy định đối với As vô cơ (Mức giới hạn tối đa cho phép 1,0 mg/kg hoặc 1,0 mg/l).

Câu 26:Doanh nghiệp có nhiều nơi sản xuất cho cùng 1 sản phẩm thì phải làm bao nhiêu bộ hồ sơ công bố sản phẩm?

Trả lời

Căn cứ Khoản 4, Điều 7, Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Bộ Y tế quy định: “Sản phẩm có cùng chất lượng của cùng một tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm nhưng được sản xuất tại 02 (hai) tỉnh, thành phố trở lên được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm hoặc tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi tổ chức, cá nhân có trụ sở chính đóng trên địa bàn”.

Do đó, danh nghiệp có nhiều nơi sản xuất cho cùng 01 sản phẩm thì chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm và lựa chọn một trong hai cơ quan có thẩm quyền như đã nêu trên để nộp hồ sơ.

Câu 27: Theo quy định tại các QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) các chỉ tiêu loại A đều bắt buộc phải thử nghiệm để đánh giá hợp quy. Vậy kết quả kiểm nghiệm trong hồ sơ công bố hợp quy có cần phải xét nghiệm hết các chỉ tiêu loại A không?

Trả lời

Theo quy định của QCVN các chỉ tiêu loại A đều bắt buộc phải kiểm nghiệm để đánh giá hợp quy. Do đó, trong hồ sơ công bố hợp quy phải kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu nhóm A theo QCVN.

Câu 28: Tên sản phẩm: cháo tươi, bia tươi… chữ “tươi” được phép sử dụng không?

Trả lời

Căn cứ Điều 11, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ Về nhãn hàng hóa quy định: "Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa".

Do vậy, doanh nghiệp có thể đặt tên sản phẩm là "cháo tươi” hoặc “bia tươi"khi sản phẩm đó phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CPnhư đã nêu trên.

Câu 29: Trong một hồ sơ công bố doanh nghiệp cung cấp 2-3 market nhãn có nội dung giống nhau (phù hợp với hồ sơ công bố) nhưng có màu sắc khác nhau như vậy có được không?

Trả lời

Theo quy định về ghi nhãn hàng hóa hiện hành thì không có quy định nào cấm các nhãn có màu sắc khác nhau của 1 sản phẩm không được phép lưu hành.Do đó, nhãn có màu sắc khác nhau vẫn được phép lưu hành nếu các nội dung ghi nhãn này đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

 

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top