Cẩn trọng uống rượu ngày Tết

Ngày đăng: 29/01/2014 - Lượt xem: 4139

Tết đến, Xuân về không thể thiếu chén rượu mừng năm mới. Tuy nhiên, nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra gần đây cho thấy người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình để niềm vui ngày Tết được trọn vẹn.

Rượu pha cồn methanol: Cực kỳ nguy hiểm

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tính từ năm 2007 đến năm 2012, cả nước xảy ra gần 40 vụ ngộ độc rượu làm hơn 250 người ngộ độc, trong đó có 69 người chết. Mười tháng đầu năm 2013, cả nước ghi nhận bốn vụ ngộ độc thực phẩm liên quan rượu, trong đó có tám người chết.

Riêng trong những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12-2013, tại tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NÐTP) do sử dụng sản phẩm rượu nếp 29 Hà Nội làm 15 người phải đi cấp cứu, trong đó có sáu người chết. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, rượu nếp 29 Hà Nội loại chai nhựa hai lít có ngày sản xuất 12-10-2013, do Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu 29 Hà Nội (trụ sở tại 82/310 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Ðề, quận Long Biên, TP Hà Nội) sản xuất, có hàm lượng methanol cao gấp 2.000 lần cho phép.

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu.

Nhiều vụ ngộ độc rượu rải rác ở Đồng Nai và Bình Dương là do một số đối tượng dùng cồn methanol để pha rượu, xong chở rượu vào các nương rẫy bán cho bà con, trong khi bà con chủ quan, không để ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Trước đó, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 – 2013, tại thôn Liên Sơn, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận xuất hiện rải rác tám trường hợp nghi ngộ độc rượu, trong đó có năm trường hợp đã bị tử vong do hôn mê, trụy tim mạch. Nguyên nhân điều tra do uống quá nhiều rượu không rõ nguồn gốc sản xuất được bán tại các quán trong xã Phước Vinh, rượu có hàm lượng Methanol cao quá giới hạn cho phép.

Theo ước tính của Cục An toàn thực phầm, cả nước có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới một triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Lượng rượu tiêu thụ mỗi năm rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Rượu được bán khắp nơi từ các quán vỉa hè tới những cửa hàng, khách sạn sang trọng và phục vụ nhiều loại đối tượng.

Lý giải về thực trạng này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với sản xuất, kinh doanh rượu còn chưa hoàn chỉnh theo yêu cầu thực tiễn; còn chồng chéo trong phân cấp quản lý, sự phối hợp kết hợp chưa chặt chẽ ngành nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, chính quyền, các cơ quan chức năng tại địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu; việc xử lý các hành vi vi phạm thiếu triệt để.

Tránh nhầm lẫn giữa say rượu và ngộ độc rượu

Ngày Tết, nhiều người vui “quá đà” dẫn đến say rượu. Nguy hiểm hơn, nhiều người không phân biệt được giữa say rượu và ngộ độc rượu, không đến các cơ sở y tế kịp thời dẫn tới tình trạng nguy kịch.

Theo bác sĩ Phạm Duệ, Khoa Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn methanol. Độc tính của methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.

Vì vậy, bác sĩ Phạm Duệ khuyến cáo, để tránh trường hợp đáng tiếc trên, nếu bạn hoặc người thân trong gia đình đã trót uống rượu thì nên dựa vào những dấu hiệu sau để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu.

Người say rượu thường chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn. Trong khi đó, chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn methanol, các triệu chứng của người bị ngộ độc rượu sẽ xuất hiện như: chóng mặt, ăn vào lại nôn nhiều lần, đau bụng, lú lẫn, yếu cơ, Mắt mờ hoặc nhìn thấy trắng mờ, rối loạn cảm nhận về màu sắc. Nếu nhận thấy những triệu chứng trên ở người trước đó đã uống rượu thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo không uống quá nhiều rượu (dưới 30 ml một ngày nếu rượu có nồng độ từ 30% trở lên). Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol cao hơn 0,05% vì những chất này có thể gây mù mắt và tử vong cao. Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia. Cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước có nồng độ cồn từ 14 độ trở nên.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không nên uống khi không biết rõ nguồn gốc của rượu; khi rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền và khi cơ thể đang đói, mệt hoặc căng thẳng.

CÁC BƯỚC XỬ TRÍ SAU KHI UỐNG RƯỢU

Nên:

- Khi uống rượu thấy chếnh choáng, nên tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má.

- Uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn nước lạnh. Nên uống thêm các loại nước: Nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh), uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.

- Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

- Nếu người uống rượu say ngủ, người nhà hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm.

Không nên:

- Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu.

- Không uống thêm vitamin B1, B6, acid folic... để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.

- Không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ bị xơ gan, ung thư gan.

Nguồn:nhandan.org.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top