Sau khi uống, rượu được hấp thu một phần nhỏ ở ngay miệng, thực quản, và dạ dày. Nhưng đến 80% lượng rượu sẽ được hấp thu tại ruột non. Thường khoảng 30-90 phút sau khi uống lượng rượu hấp thu vào trong máu sẽ đạt đỉnh tối đa.
Rượu, bia tác động chủ yếu của là trên thần kinh trung ương. Ở nồng độ thấp rượu có tác dụng an thần, làm giảm lo âu. Ở nồng độ cao hơn rượu gây rối loạn tâm thần, mất điều hòa, không tự chủ được hành động. Khi nồng độ rượu trong máu quá cao, người ta có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.
Say rượu bia là một tác nhân quan trọng gây tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014 thì rượu bia gây hơn 3,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu và 15% số đó là do tai nạn giao thông. Ở Việt Nam thì đến 36,2% nam giới tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia.
Người ta nhận thấy khi nồng độ rượu trong máu đến 30mg/dl sẽ gây phấn chấn, mất kiểm soát, nên người say rượu, bia khi tham gia giao thông dễ gây lỗi nguy hiểm như chạy xe quá tốc độ, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định. Khi nồng độ rượu trong máu trên 50mg/dl sẽ gây mất phối hợp động tác, giảm phản xạ. Ở nồng độ trên 100mg/dl máu, rượu gây mất điều hòa động tác, chân tay loạn choạng, nhìn không chính xác, ước lượng sai khoảng cách nên khi điều khiển phương tiện giao thông rất dễ gây tai nạn.
Cũng do rượu gây phấn chấn, mất kiểm soát nên người say rượu có xu hướng dễ kích động ẩu đả. Dịp tết Ất Mùi có tới hơn 6000 trường hợp đánh nhau phải nhập viện, gây tử vong 15 trường hợp mà phần nhiều liên quan đến rượu.
Rượu gây loạn nhịp tim. Trong y học thuật ngữ “Hội chứng trái tim ngày nghỉ” để ám chỉ những loại loạn nhịp tim ở người trước khỏe mạnh, sau một kỳ nghỉ dùng rượu bia quá độ, có sự “đóng góp” thêm của việc thức đêm, stress quá mức hay mất nước và điện giải, … Người ta giải thích cơ chế gây loạn nhịp tim khi uống quá nhiều rượu bia là do lượng cồn trong máu tăng rất nhanh kích thích cơ thể sản xuất adrenaline và noradrenaline, gây co mạch, tăng huyết áp, kích thích tim đập nhanh làm tăng tiêu thụ oxy của tế bào cơ tim hoặc do rượu vào cơ thể chuyển hóa thành acetaldehyde gây ngộ độc cơ tim.
Khi nồng độ rượu trong máu từ 200-400mg/dl, người uống rượu sẽ bị ngủ gà, lẫn lộn. Người say rượu nằm ngủ bất động ở một tư thế trong nhiều giờ, làm cho có vùng cơ thể bị đè ép kéo dài, gây tiêu cơ vân hoặc hoại tử tổ chức và có thể dẫn đến suy thận cấp sau đó. Đặc biệt lúc này người bệnh dễ nôn và do mất phản xạ ho, phản xạ bảo vệ đường thở nên có thể dẫn đến hít phải chất nôn gây sặc và viêm phổi rất trầm trọng.
Khi nồng độ rượu trong máu lên trên 400mg/dl, người say rượu có thể bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn nhịp thở và có thể tử vong.
Chất lượng rượu cũng là vấn đề đáng bàn. Vụ ngộ độc rượu Hà nội 29 gây chết 6 người là một minh chứng. Rượu giả pha từ cồn công nghiệp chứa nhiều methanol có thể gây ngộ độc nặng. Bệnh nhân thường, thở nhanh, sâu do toan chuyển hóa, viêm thần kinh thị dẫn đến nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, hoặc mù hẳn. trường hợp nặng thì sẽ giãn đồng tử, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, co giật, suy thận và tử vong.
Với rượu có tạp chất là ethylene glycol các biểu hiện ban đầu giống sau rượu thông thường, nhưng sau đó có nhiều tổn thương phủ tạng khác như tăng huyết áp, suy hô hấp, suy tim, suy thận và có thể tử vong.
Những người có những bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, xơ gan cũng phải hết sức thận trọng không nên quá chén. Rượu có thể dẫn đến cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn đến tai biến mạch não nguy hiểm hoặc đợt mất bù ở người xơ gan vì tổn thương gan do rượu phối hợp thêm vào với bệnh gan xơ cũ.
Rượu bia là một phần khó thiếu được trong những cuộc vui, nhưng quá chén rượu bia cũng đã gây ra nhiều tác hại với cả sức khỏe của người uống và an; ninh trật tự xã hội. Trong những kỳ nghỉ kéo dài, việc thưởng thức rượu bia hợp lý và điều độ giúp chúng ta có được những ngày nghỉ an toàn và vui vẻ.
Nguồn: Dân trí
Bình luận