Từ ngày 26 - 29/8/2014 Đoàn liên ngành số 2 của BCĐ liên ngành Trung ương do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản, Chi Cục kiểm dịch thực vật vùng IV tiến hành thanh tra, kiểm tra tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum.
Từ ngày 27/8/2014 đến ngày 29/8/2014, tại 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, Đoàn liên ngành số 2 Trung ương do ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Trưởng đoàn đã làm việc với BCĐ liên ngành VSATTP của tỉnh Gia Lai, Kon Tum.
Ngày 27/8/2014 Đoàn liên ngành số 2 Trung ương làm việc với BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh Kon Tum với sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh Kon Tum cùng đại diện các ngành: Y tế, NNPTNT, Công thương, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường cùng các bên liên quan. Sau khi nghe Thường trực BCĐ liên ngành VSATTP của tỉnh báo cáo tình hình công tác bảo đảm ATTP, việc triển khai công tác thanh tra ATTP trong dịp tết trung thu trên địa bàn, Đoàn liên ngành số 2 TƯ phối hợp với địa phương đã thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn (04 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh mì, bánh bông lan).
Ngày 28 - 29/8/2014 Đoàn làm việc với BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh Gia Lai với sự tham dự của ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai thuộc Ban thường trực BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh Gia Lai cùng đại diện các ngành: Y tế, NNPTNT, Công thương, Quản lý thị trường, Đài truyền hình, truyền thanh, Cảnh sát môi trường cùng các bên liên quan. Sau khi nghe Thường trực BCĐ liên ngành VSATTP của tỉnh báo cáo tình hình công tác bảo đảm ATTP, việc triển khai công tác thanh tra ATTP trong dịp tết trung thu trên địa bàn, Đoàn phối hợp với địa phương đã thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn (01 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, 01 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 01 siêu thị).
Qua đợt thanh tra, kiểm tra Đoàn ghi nhận công tác bảo đảm ATTP đã được UBND tỉnh Gia Lai, Kon Tum đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý đảm bảo ATTP. Để triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành trung ương và của UBND thành phố, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan (NNPTNT, Công thương, Giáo dục và đào tạo... và các cơ quan thông tin đại chúng) tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức, kỹ năng về bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP của toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum và Gia Lai là hai tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên với địa hình đồi núi, có nhiều thôn bản và một lượng không nhỏ người dân tộc sinh sống, vậy nên công tác quản lý ATTP tại địa phương cũng còn không ít khó khăn, bất cập cả về cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức, lực lượng, năng lực cán bộ làm công tác ATTP và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, mặc dù đã được các ngành chức năng, các địa phương thực hiện một cách thường xuyên, song việc xử lý tại tuyến xã và thôn bản còn rất hạn chế.
Kết quả thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum (04 cơ sở tại Kon Tum, 03 cơ sở tại Gia Lai) Đoàn ghi nhận:
Về công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ: tất cả các cơ sở đều thực hiện theo đúng loại hình đã được cấp trong Giấy chứng nhận, phù hợp với ngành nghề trong đăng ký kinh doanh. Các cơ sở đều xuất trình các hóa đơn, hợp đồng mua bán nguyên liệu, bao bì thực phẩm phù hợp; hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm; hợp đồng xử lý chất thải; nguồn nước sử dụng để sản xuất, vệ sinh phù hợp (nước sạch, nước qua hệ thống lọc RO của cơ sở). Chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh được khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Về điều kiện sản xuất, kinh doanh: các cơ sở đều có điều kiện môi trường đảm bảo, cách biệt nguồn ô nhiễm; có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ để sản xuất; nhân viên chấp hành đúng các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trang phục, bảo hộ, vệ sinh). Các cơ sở sản xuất có các khu vực thay đồ, vệ sinh, rửa tay, khu vực sản xuất, kho nguyên liệu, kho bảo quản riêng biệt; tường, nền, trần, hệ thống thông gió, ánh sáng, điều kiện trang thiết bị, nguồn nước sử dụng, thu gom rác thải, chất thải, nước thải phù hợp quy định; có biện pháp, dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại xâm nhập khu vực sản xuất, bảo quản hàng hóa.
Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, Đoàn công tác cũng đã chỉ ra một số tồn tại ở các cơ sở cần được chấn chỉnh đó là: việc lưu hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở chưa đầy đủ; việc sắp xếp hàng hóa, hoặc bố trí vị trí khu vực sản xuất, kinh doanh, lưu hàng còn lộn xộn, chưa hợp lý; một số cơ sở sản xuất là hộ kinh doanh nên việc kiểm nghiệm mẫu sản phẩm để làm hồ sơ công bố sản phẩm còn chậm trễ; việc giám sát chất lượng sản phẩm định kỳ sau công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất còn thực hiện chưa đúng theo quy định
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ sở được kiểm tra đều có ý thức hợp tác, chấp hành đúng theo các quy định của pháp luật, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác. Đối với một số tồn tại của các cơ sở cần được khắc phục Đoàn công tác đã giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai theo dõi, giám sát và báo cáo theo quy định.
Bình luận