11 điều bảo vệ sức khỏe trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 28/04/2014 - Lượt xem: 3242

Nhờ các chiến sĩ thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tốt” (ăn tốt, ngủ tốt và đi tốt) nên trong suốt 56 ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ không xảy ra đại dịch, sức khỏe chiến sỹ được bảo đảm, đã nâng cao khả năng chiến đấu, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vô tiền khoáng hậu ở Điện Biên Phủ.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ Điện Biên. Ảnh tư liệu)

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập tới một nhiệm vụ quan trọng trên chiến trường, đó là công tác vệ sinh phòng dịch, phòng bệnh, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội để tham gia chiến dịch.

Bài viết này cũng dành để tri ân những chiến sĩ khoác áo blouse trắng đảm nhận công tác phòng, chống dịch bệnh trong chiến dịch Điện Biên ngày ấy.

Cần hình dung bối cảnh chủ quan lúc đó khi quân đội ta đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật lực, quân lực và kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường. Thêm vào đó, còn có những khó khăn khách quan như vùng Tây Bắc khi đó còn là vùng "rừng thiêng, nước độc", là vùng sốt rét rất nặng. Nhà ở các bản đều có bọ chét, rệp, có cả ruồi vàng và thường trực là những ổ dịch tả và kiết lị.

Một bất lợi nữa mà bộ đội phải đối mặt là thời tiết hết sức khắc nghiệt, tháng 1 và 2 thì rét thấu xương, từ tháng 3 cho tới kết thúc chiến dịch (tháng 5) là nóng ẩm, mưa rừng. Thống kê cho thấy ở khu vực lòng chảo Điện Biên, mật độ binh sĩ trên chiến trường thường xuyên ở mức cao (phía ta 87.000 người, cả bộ đội và dân công; phía Pháp thường xuyên có hơn 16.000 quân), nguy cơ lây nhiễm chéo về bệnh tật rất lớn.

Một điểm khác biệt giữa quân đội ta và quân Pháp đó là đa số cán bộ, chiến sĩ đều xuất phát từ nông dân nên kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe còn nhiều hạn chế…

Để lên tới Điện Biên, các đại đoàn đều phải vượt qua chặng đường 400-500 km. Hành quân chủ yếu vào ban đêm, ban ngày nghỉ tại các lán trại. Mỗi chiến sĩ phải mang trung bình 30 kg. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “Ba tốt" trong hành quân: Đi tốt, ăn tốt, ngủ tốt.

Ba nguyên tắc vàng

"Đi tốt": Trước khi hành quân, chỉ huy từng đơn vị phải có trách nhiệm nhắc nhở chiến sĩ kiểm tra giày, dép cao su xem có vừa không; mỗi người phải có một bộ quai dép dự trữ, phải có kẹp rút dép. Kiểm tra tất cả các quân, tư trang trước khi hành quân, nếu thấy đồ đạc gì không cần thiết nhất định phải bỏ lại. Các bác sĩ của Ban Quân y chiến dịch đã phổ biến tới từng tiểu đội kinh nghiệm chống phồng chân, nứt nẻ chân, nước ăn chân, cước chân, bong gân… Việc áp dụng cách ngâm chân bằng nước nóng trong hố có lót nylon vào buổi sáng ngay sau một đêm hành quân được thừa nhận là có hiệu quả tốt nhất.

"Ăn tốt": Bảo đảm ăn thức ăn nóng và uống nước chín tại chiến trường là nhiệm vụ rất nặng nề với khối hậu cần. Ban Quân y chiến dịch nghiêm cấm chiến sĩ không ăn thực phẩm ôi, thiu, đồ ăn nghi nhiễm độc.

Mỗi đơn vị phải phân công cụ thể cho từng người: Người đào bếp Hoàng Cầm, người kiếm củi, người lấy nước, có lúc phải chuẩn bị củi khô phòng khi trời mưa để đảm bảo thức ăn phải đủ nóng.

"Ngủ tốt": Ngày đầu của chiến dịch, bộ đội ta tổ chức rất chậm, phải mất hàng giờ mới thu xếp xong chỗ nằm. Bằng sự sáng tạo của mình, các đơn vị đã rút dần xuống còn 30 phút, rồi 15 phút, trong thực tế có nhóm rút xuống còn 7 phút để có thể ngủ sớm hơn.

Trong vòng 15 phút phải hoàn thành việc nhóm lửa để có đủ ánh sáng, gom lá rải làm đệm (vì quân đội nghiêm cấm nằm sát đất), mắc màn để phòng muỗi, có đủ nước để ngâm chân.

Nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc "Ba tốt" các đơn vị đã hành quân tới chiến trường và tập kết đúng thời gian qui định; quân số khỏe mạnh đạt tới 98-99%. Cần phải nói thêm, con số này được các nhà lịch sử quân sự đánh giá là lý tưởng, vì ở mọi cuộc chiến tranh trên thế giới, con số này chỉ đạt 80 đến 82%. Cá biệt, có những đội quân mất 50% sức chiến đấu do tổn hao quân lực vì thường xuyên đối mặt với bệnh tật.

Điều lệnh sức khỏe

Trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, các loại bệnh sốt rét, kiết lị, chứng suy nhược do thiếu vitamin đã hoành hành, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe bộ đội. Đặc biệt trong những tháng cuối chiến dịch bắt đầu có mưa nhiều nên giao thông hào lầy lội, quần áo, giầy dép của nhiều chiến sĩ bị rách, phải đi chân đất, bệnh ngoài da phát triển mạnh, tình trạng thiếu ngủ kéo dài, sức khỏe của bộ đội giảm sút nhiều, nhất là ở các đơn vị ngày đêm đối mặt với quân Pháp tại lòng chảo Điện Biên. Ở nhiều đơn vị, quân số khỏe chỉ còn 40%.

Trước tình hình nguy cấp đó, Bác sĩ Từ Giấy, Trưởng Tiểu ban Phòng dịch-Ban Quân y chiến dịch, đệ trình lên Tổng Tư lệnh xin ban hành 10 điều phải làm về giữ gìn sức khỏe và đã được Tổng Tư lệnh chấp thuận ngay mà không phải chỉnh sửa. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung điều thứ 11.
 
Ngay sau khi ban hành quy định đặc biệt và rất cụ thể này, các đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351 cùng với quân y của các đơn vị tổ chức thực hiện rất nghiêm, đem lại hiệu quả ngay tức khắc vì sự cụ thể, sát thực tế và tính khoa học của nó.

Quy định này của Đại tướng Tổng Tư lệnh đã giải quyết căn bản được tư tưởng tiêu cực, thói quen tạm bợ, thiếu khoa học trước đây của bộ đội ta. Trên cơ sở đó cán bộ, cấp ủy có điều kiện tốt hơn để cùng chăm lo sức khỏe đời sống bộ đội tốt hơn.

Ví dụ, các hầm ngủ kiểu hàm ếch chỉ đủ cho 1 người ngủ theo kiểu con tôm đã được sửa lại đủ dài và đủ rộng để bộ đội duỗi được thẳng chân khi ngủ; một số nơi được thay thế bằng hầm có nắp, duỗi được chân thoải mái, chỗ nằm được lát ván, cửa hầm được che màn chống muỗi, giao thông hào có rãnh thoát nước, có ngách hào làm công trình vệ sinh, có ngách hào đào giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Bộ đội được luân phiên về hậu cứ tắm giặt, cắt tóc, được ăn nóng, uống chín. Bộ đội còn được uống thuốc phòng sốt rét, tê phù, tiêu chảy định kỳ.

Do thực hiện nghiêm túc chỉ thị bình thường hóa sinh hoạt và 11 điều phải làm để bảo vệ sức khỏe chiến đấu dài ngày, nên chỉ sau thời gian ngắn các bệnh đi lỏng, kiết lị, sốt rét, ghẻ lở đã được thanh toán, sức khỏe và tâm lý của bộ đội được bảo đảm cho tới ngày toàn thắng 7/5/1954.

Đánh giá về thành công của công tác vệ sinh phòng dịch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tại buổi gặp mặt những người làm báo “Vui sống" mà Đại tá, Bác sỹ Từ Giấy làm Tổng Biên tập nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1994), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương ngành vệ sinh phòng dịch: Không một vị tướng nào có thể đánh thắng mà không có quân trong tay. Bảo vệ và giữ gìn quân số bao giờ cũng là một trong những vấn đề thời sự của chiến tranh mọi thời kỳ. Những kinh nghiệm hay mà báo “Vui sống” phổ biến đã trực tiếp giúp bộ đội Điện Biên vượt qua rào cản tưởng như khó qua nhất là: Giữ sức khỏe và tính mạng của các chiến sĩ”.

Cuối cùng, xin nêu lại một câu hỏi lớn của viên quan tư thầy thuốc quân đội Pháp với Bác sĩ Từ Giấy (lúc đó là Trưởng Tiểu ban Vệ sinh phòng dịch, Ban Quân y chiến dịch Điện Biên Phủ) trong một cuộc trao trả thương, bệnh binh ở gần Bắc Giang ngay sau chiến dịch.

Viên thầy thuốc nói: “Tôi đã sống ở Việt Nam khá lâu nên hiểu trình độ, thói quen vệ sinh của người Việt Nam. Chẳng hạn ngay khi có dịch tả, cảnh sát vào từng nhà gọi đi tiêm phòng tả mà họ cũng không chịu đi. Ấy vậy mà mấy tháng trời ở hầm trong điều kiện khắc nghiệt đó nhưng quân số của phía Việt Nam vẫn đảm bảo để giành chiến thắng cuối cùng. Thú thật trong trận chiến vừa rồi ở Điện Biên Phủ, chúng tôi chỉ mong có một đại dịch xảy ra, nó sẽ làm hao hụt quân số và sức chiến đấu của các ông và của cả chúng tôi. Cả hai bên sẽ phải ngừng chiến đấu vì không còn quân để đánh nhau và như vậy cả hai đều thoát khỏi cuộc chiến trong danh dự vì không có ngườỉ thắng và cũng không có kẻ bại. Tôi xin hỏi ông: Tại sao đại dịch đó lại không xảy ra, mặc dầu tôi biết hoàn cảnh chiến đấu phía các ông hết sức khó khăn, thiếu thốn lại ở một môi trường đầy rẫy bệnh truyền nhiễm của xứ nhiệt đới?"

Do thời gian không cho phép, nhưng sau đó bác sỹ Từ Giấy đã viết thư trả lời viên quan tư thầy thuốc quân đội Pháp này (thư này đã đăng lại trên báo QĐND tháng 8/1954) về bí quyết không để xảy ra đại dịch nào đó là: Bộ đội Việt Nam thực hiện nghiêm túc yêu cầu “Ba tốt” trong hành quân và thực hiện đủ 11 điều bảo vệ sức khỏe trong chiến dịch mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị.

Nội dung 11 điều qui định :

 1. Phải ngủ màn, phải uống thuốc phòng sốt rét đúng qui định, cứ 5 ngày 2 viên.

 2. Tuyệt đối không được uống nước lã. Bảo đảm đủ nước chín hoặc đã khử trùng.

 3. Không được ăn thức ăn sống, thịt hộp phồng hơi, thức ăn, nước uống do địch bỏ lại chưa qua kiểm tra.

4. Bình thường bảo đảm ngủ tối thiểu mỗi ngày 6 giờ và 1 giờ nghỉ.

 5. Thường xuyên quét dọn nơi ăn ở sạch sẽ, hầm ngủ có ván, che được nắng, không bị nước ngập hoặc bị mưa hắt, có lỗ thông hơi.

6. Phải tranh thủ tắm giặt và cắt tóc, nhất là phải giữ gìn không có chấy rận để đề phòng các bệnh dịch sốt chấy rận rất nguy hiểm.

 7. Cấm phóng uế bừa bãi để trừ ruồi nhặng. Mỗi tiểu đội phải có một hố tiêu và một hố tiểu (sâu 1,5 m có nắp đậy kín ).

 8. Mỗi người phải có một khẩu trang phòng độc để che miệng, thường xuyên mang theo người (dày 8 lượt vải mỏng, rộng 10cm, dài 15cm).

 9. Đề phòng bệnh truyền nhiễm, đơn vị tác chiến hoặc trú quân ở khu vực nào phải chôn cất xác địch, xác súc vật và tẩy uế ngay khu vực đó. Phải tập trung tiêu hủy những đồ vật, giấy tờ, truyền đơn, tranh ảnh khả nghi có trúng độc.

 10. Cán bộ các cấp phải bảo đảm làm đúng những điều qui định trong bản mệnh lệnh bảo vệ sức khỏe này. Tiểu đoàn mỗi tuần 1 lần, trung đoàn nửa tháng 1 lần, đại đoàn 1 tháng 1 lần phải xuống các đơn vị kiểm tra thực hiện nghiêm.

 11. Đơn vị, cá nhân nào tích cực chấp hành, giữ vững quân số chiến đấu sẽ được khen thưởng. Đơn vị, cá nhân nào thiếu gương mẫu, không tích cực chấp hành để quân số hao hụt nhiều sẽ bị kỷ luật.

Nguồn: chinhphu.vn

 

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top