Bác sĩ: Nghề sang, danh cao nhưng cực khổ

Ngày đăng: 27/02/2016 - Lượt xem: 5579

Từ những bệnh mạn tính cho đến các loại bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao, y-bác sĩ đều phải điều trị mà không có sự lựa chọn.

Nghề y là một nghề đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó liên quan đến vốn quý nhất của cuộc sống, đó là sức khỏe và sinh mạng. Chính vì thế con đường trở thành một y-bác sĩ sẽ có những đòi hỏi đặc thù chuyên biệt, những khó khăn và thử thách khác những ngành khác.

Sinh mạng - điều tốt đẹp nhất mà các ‘chiến sĩ’ y-bác sĩ mang lại cho đời

Sức khỏe là vốn quý của con người và sinh mạng là thứ đáng quý nhất, mà thiên chức của y-bác sĩ chính là chữa bệnh cứu người. Khi bạn đau ốm hoặc mắc bệnh dù nặng hay nhẹ, thậm chí nguy hiểm đe dọa tính mạng, lúc đó chỉ có các y-bác sĩ phải vận dụng các kiến thức và năng lực mới có thể chữa trị.

Trong những vụ dịch nguy hiểm như viêm đường hô hấp cấp SARS, cúm A H5N1tại Việt Nam, có những y-bác sĩ thức trắng nhiều đêm, nhiều người thậm chí quên ăn, quên ngủ với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên của những căn bệnh quái ác, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Lại có những y-bác sĩ hiến máu cứu người. Dù căng thẳng và vất vả, nhưng tất cả đều là tự nguyện. Bởi hơn ai hết họ hiểu rằng, nhiều sinh mạng quý giá đang đặt trong tay mình. Còn điều gì tuyệt vời và đáng trân trọng hơn khi bạn được ‘sống thêm 1 lần nữa’?!

Bác sĩ: Sang nhưng khổ cực lắm

Bác sĩ: Nghề sang, danh cao nhưng cực khổ - ảnh 1

Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chuẩn bị thực hiện phẫu thuật (Ảnh: Internet)

Xã hội chất lên vai những người y-bác sĩ nhiều sứ mệnh nặng nề, cao cả, nhưng cũng cứa lên người họ đầy những vết thương. Đời sống khó khăn, những rủi ro nghề nghiệp luôn rình rập hằng ngày. Cùng với đó, áp lực y đức đè nặng lên tâm trí, đã thật sự khiến cho một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế cảm thấy mệt mỏi và nản lòng. Những khó khăn, thử thách và cả sự vất vả mà chỉ những người trong nghề mới thấu hiểu.

Quá trình tuyển chọn và đào tạo khắc nghiệt

Đầu tuyển vào của các trường đại học y khoa cực kỳ gắt gao, chẳng vậy mà nhiều người có câu ‘Nhất Y nhì Dược’. Trường ĐH Y Hà Nội luôn thuộc top những trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước (với 27.5 điểm mới đỗ Bác sĩ đa khoa). Trúng tuyển rồi thì để thành bác sĩ phải học 6 năm miệt mài, quay cuồng với lý thuyết, thực hành và trực bệnh viện. Sau đó là tiếp tục quá trình chuyên tu, thực hành kỹ năng lâm sàng và học lên tiếp để trở thành bác sĩ chính. Đây quả là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ và thực sự có quyết tâm cao mới làm được.

Bác sĩ liên tiếp bị người nhà bệnh nhân hành hung

Do cường độ công việc cao, y-bác sĩ thường trực phải đối mặt với nguy cơ xảy ra các hành động quá khích, mất kiểm soát của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình, trong và sau điều trị.

Nguy cơ cao bị lây nhiễm từ bệnh nhân

Bác sĩ: Nghề sang, danh cao nhưng cực khổ - ảnh 2

Bác sĩ là những người đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (Ảnh minh họa: Internet)

Từ những bệnh mạn tính cho đến các loại bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao, y-bác sĩ đều phải điều trị mà không có sự lựa chọn. Họ là những người phải trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh nên nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn người khác. Đôi khi xảy ra sự cố hay tai nạn nghề nghiệp, họ có thể phải trả giá bằng chính sức khỏe và tính mạng của mình. Khi dịch bệnh Ebola kinh hoàng xảy ra năm 2014, đã có hơn 400 nhân viên y tế bị lây nhiễm bệnh dịch, và hơn 230 người trong số đó đã không thể vượt qua bạo bệnh.

Nguy cơ làm việc thêm giờ, căng thẳng kéo dài

Bác sĩ: Nghề sang, danh cao nhưng cực khổ - ảnh 1

Giấc ngủ vội của các bác sĩ BV Chợ Rẫy sau khi hoàn thành ca trực (Ảnh: Lê Anh Dũng - Đinh Tuấn)

Nghề y đòi hỏi khắt khe cả về lao động trí óc lẫn tay chân, vừa phải làm việc liên tục, nhưng vẫn đảm bảo phải chính xác và kịp thời. Và thời lượng làm việc của y-bác sĩ cũng nhiều hơn những ngành nghề khác. Là bác sĩ, nếu không phải trực đêm thì họ sẽ phải trực ngày cuối tuần. Và còn vất vả hơn vào các dịp lễ tết, số lượng bác sĩ trực có giới hạn trong khi lượng bệnh nhân nhập viện, đặc biệt do tai nạn lại có xu hướng tăng hơn bình thường.

Thậm chí, họ không còn có thời gian dành cho con cái, cắt giảm tối đa những sinh hoạt chung cùng với gia đình, ngay cả nghỉ phép cũng hầu như không sử dụng đến. Mới đây, báo chí Trung Quốc bàng hoàng trước trường hợp một bác sĩ đã tử vong sau 48 tiếng làm việc liên tục trong dịp Tết cổ truyền vừa qua.

Thực sự không quá lời khi nói rằng, các bác sĩ bận tới mức không có thời gian để uống nước chứ đừng nói ăn đêm, 'hết ca chỉ đủ sức lết về nhà'.

Cần lắm những sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ

Bác sĩ: Nghề sang, danh cao nhưng cực khổ - ảnh 4

Cần lắm sự cảm thông, yêu thương và chia sẻ với người thầy thuốc (Ảnh minh họa: Internet)

Đến với nghề bác sĩ, rõ ràng, điều đặt lên đầu tiên chính là sự tận tâm, hết lòng vì người bệnh, sự nghiên cứu, tìm ra phương pháp cứu chữa những ca bệnh khó. Điều đó vượt ra ngoài những giá trị vật chất đơn thuần. Đây chính là tài sản lớn nhất đối với một lương y.

Khi quyết định dấn thân vào nghề, họ chấp nhận sẽ học tập nghiêm túc, cống hiến kiến thức và khả năng của mình để đảm bảo sức khỏe người bệnh, cứu sống một mạng người là trách nhiệm gắn với cả cuộc đời.

Đối với họ, cuộc sống là làm việc bằng cái tâm của người thầy thuốc, đó cũng chính là khi lời thề Hippocrates ngấm vào máu thịt.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin kính chúc các y - bác sĩ dồi dào sức khỏe, vững tay nghề trong sự nghiệp cao quý: mang lại hạnh phúc cho thêm nhiều người hơn nữa.

Theo Suckhoedoisong.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top