Cúm A/H7N9: Những điều cần biết

Ngày đăng: 18/02/2014 - Lượt xem: 2215

Tính đến chiều ngày 14/2, đã có tới 338 ca nhiễm H7N9, với 66 người tử vong tại Trung Quốc và nước này cũng bước đầu thành công trong việc thử nghiệm nguyên liệu để sản xuất loại vaccin ngừa chủng cúm nguy hiểm này.

Nước ta tiếp giáp với Trung Quốc và hàng ngày, một lượng lớn hàng hóa, gia súc gia cầm, khách du lịch... lưu thông qua biên giới hai nước nên việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống loại cúm nguy hiểm này cho mọi người là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh khi nước ta chưa có vaccin ngừa cúm H7N9.

Cúm là một loại bệnh viêm đường hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên (mũi, họng) và đường hô hấp dưới (khí phế quản, phổi) do một loại virut tên là Influenza gây ra. Loại virut này thuộc nhóm Orthomyxoviridae, được chia thành 3 týp A, B và C. Trong khi virut cúm nhóm A có thể gây bệnh cả ở người và động vật như lợn, chim thì virut cúm nhóm B và C chỉ gây bệnh ở người.

Virut cúm A là một loại virut sống ký sinh trong nhiều loại chim (hoang dại, gia cầm) trong đó lại có nhiều týp nhỏ như H5N1, H1N1, H7N1, H7N2, H7N3, H7N7... Mặc dù một số týp H7 như H7N2, H7N3, H7N7 thỉnh thoảng được phát hiện nhiễm ở người nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng về việc virut H7N9 lây nhiễm từ người sang người.

Những triệu chứng chính khi bị nhiễm virut cúm H7N9

Sau khi bị nhiễm, virut H7N9 sẽ nhân lên trong cơ thể và gây bệnh. Biểu hiện đầu tiên là các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân cùng các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như hắt hơi, ho, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau họng. Sau đó, bệnh có thể nặng lên rất nhanh khi phổi bị viêm: khó thở, sốt cao liên tục, đau tức ngực. Những trường hợp này bệnh nhân thường tử vong do suy hô hấp cấp mặc dù đã được điều trị tích cực.

Sự khác nhau giữa cúm H7N9 với H1N1 và H5N1

Cả ba virut H7N9, H1N1, H5N1 đều là virut cúm A nhưng chúng có khả năng lây bệnh khác nhau. H7N9, H5N1 lây nhiễm chủ yếu ở vật và đôi khi mới lây sang người trong khi H1N1 thì bình thường cũng hay lây nhiễm ở người và cả vật như chim, lợn...

Người ta cho rằng nguồn lây nhiễm H7N9 chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc với môi trường đã bị nhiễm virut như chuồng gà vịt, phân, chất thải gia cầm nhưng trong phần lớn các trường hợp không thể xác định được nguồn lây nhiễm. Virut không được tìm thấy ở gia cầm, chim bồ câu cũng như môi trường chung quanh ở những khu vực có người bị nhiễm và thực sự, đường lây chính của virut hiện cũng chưa được rõ. Bởi vì virut này không gây triệu chứng lâm sàng ở gia cầm nên thật khó để xác định chúng lây sang người như thế nào. Có một số trường hợp mắc bệnh theo từng nhóm người (cùng ở chung phòng, cùng vị trí làm việc, cùng cơ quan, trường học, thời gian ủ bệnh và xuất hiện triệu chứng giống nhau nhưng dường như virut H7N9 rất khó lây từ người sang người và vấn đề này hiện vẫn đang được nghiên cứu để xác định rõ.

Có thuốc điều trị H7N9 không?

Các thử nghiệm cho thấy một số thuốc ức chế men neuraminidase của virut như oseltamivir, zanamivir có tác dụng diệt virut H7N9 trong khi các thuốc kháng virut khác như adamantanes thì không. Ở những bệnh nhân cúm do H7N9 tại Trung Quốc được dùng thuốc ức chế men neuraminidase thì các triệu chứng tiến triển nhẹ hơn và nhiều trường hợp khỏi bệnh.

Phòng tránh lây nhiễm H7N9?

Mặc dù nguồn lây và phương thức lây nhiễm của virut H7N9 hiện chưa được biết rõ nhưng một số biện pháp vẫn được khuyến cáo để tránh lây nhiễm như vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc chất thải của chúng; đội mũ áo, đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ là nguồn lây bệnh...

Có thể chế biến thịt, trứng gia cầm còn tươi sống an toàn. Không nên dùng chung dụng cụ đã chế biến thịt, trứng gia cầm sống mà chưa qua khâu làm vệ sinh sạch sẽ. Nên rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi chế biến thịt trứng gia cầm trước khi chuyển sang làm các thực phẩm khác. Gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu bệnh lý nên được loại bỏ. Thịt, trứng gia cầm nên được nấu chín kỹ (virut sẽ bị diệt ở nhiệt độ từ 70 độ C trở lên) trước khi ăn. Không ăn thịt gia cầm luộc, hấp còn màu đỏ hoặc trứng còn lòng đào.

Khi vào các chợ mua bán gia cầm, khu vực nuôi nhốt gia cầm cần tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc những môi trường chung quanh đã có tiếp xúc với gia cầm, chất thải gia cầm. Nếu có tiếp xúc, nên vệ sinh tay chân sạch sẽ cũng như tuân thủ chặt chẽ các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Nếu có gia cầm bị ốm hoặc chết bất thường, nên kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Nguồn: TS.BS. Vũ Đức Định - suckhoedoisong.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top