Ngăn chặn thực phẩm ô nhiễm trong dịp Tết

Ngày đăng: 25/12/2013 - Lượt xem: 2529

Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là thời kỳ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng đột biến kéo theo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế về vấn đề này.

Cục ATTP đã có biện pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm các quy định về ATTP để người dân đón một cái Tết thực sự an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Cho đến thời điểm này, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của TW và địa phương đã tiến hành tập trung cao điểm triển khai kiểm tra, thanh tra (từ ngày 15/12 vừa qua) các vi phạm về ATTP. Kết quả sẽ được Cục sớm công bố công khai.

Trong đó, yêu cầu các đoàn phải có đủ điều kiện được phép lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, nhằm không chỉ thanh tra việc chấp hành các quy định về ghi nhãn, về công bố tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất chế biến tại các cơ sở mà còn lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu về phẩm màu, đường hóa học, các chất phụ gia, các chỉ tiêu về vi sinh vật, về hóa học…

Hiện, Cục ATTP cũng đang tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP trong dịp Tết. Theo đó, sẽ triển khai các nhiệm vụ như truyền thông để người tiêu dùng biết các kiến thức trong lựa chọn chế biến bảo quản thực phẩm an toàn; các cơ sở sản xuất thực phẩm biết trách nhiệm của mình phải làm gì từ vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng cáo, kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn, tăng cường công tác giám sát thực phẩm, chống buôn lậu… 

Thời gian qua, số lượng các vụ vi phạm ATTP bị phát hiện và xử lý chỉ là con số rất nhỏ so với số lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc đang lưu hành trên thị trường. Thực tế tình trạng này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Thực tế, số vụ vi phạm ATTP đã được phát hiện ngăn chặn không thể phản ánh đầy đủ các vi phạm về ATTP ở nước ta. Số liệu ngộ độc thực phẩm chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Ngay cả các nước phát triển đã có hệ thống giám sát thực phẩm, nhưng con số vụ vi phạm ATTP cũng chỉ đảm bảo được 10% số thực tế.

Mặt khác, các cá nhân hay tổ chức có hành vi cố ý vi phạm thì ngày càng có những kỹ thuật tinh vi nên việc phát hiện cũng ngày càng khó khăn hơn. Chính vì vậy mà yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra là phải có trọng tâm, trọng điểm, và tập trung mạnh vào sản phẩm có nhu cầu lớn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới như: các loại sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, trứng, sữa… các loại bánh mứt kẹo, rượu bia…

Ngay sau dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều lễ hội được tổ chức trên cả nước, vậy vấn đề đảm bảo ATTP sẽ được Cục quan tâm như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Ngay sau Tết Nguyên đán, các lễ hội và nhu cầu du lịch thường được tổ chức theo mùa vụ nên cũng có đặc thù riêng.

Ban quản lý các khu du lịch được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về ATTP tại các khu du lịch, khu lễ hội mà mình quản lý. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các năm trước, vai trò của các cấp chính quyền địa phương rất quan trọng và cần thiết, từ quy định quy hoạch về vị trí, khu vực phục vụ ăn uống, đến các điều kiện về người sản xuất, người phục vụ để đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm, nguồn gốc các nguyên liệu chế biến tại các khu này phải được kiểm soát, đặc biệt là xử lý chất thải sau kinh doanh cũng như nguồn nước để phục vụ việc chế biến và vệ sinh dụng cụ chế biến…

Xin ông cho biết, cùng với các giải pháp đang triển khai, thời gian tới đây, Cục ATTP có đề xuất các giải pháp gì để đảm bảo ATTP cho người dân?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Rủi ro do ngộ độc thực phẩm là rất lớn, không chỉ ở nước ta mà ngay cả các nước có điều kiện kinh tế phát triển như Hoa Kỳ.

Ở nước ta, có 500.000 có sở sản xuất chế biến thực phẩm, trong đó có tới 85% cơ sở có quy mô vừa, nhỏ và quy mô hộ gia đình.

Vì vậy, việc kết hợp thanh tra, kiểm tra với vận động tuyên truyền đảm bảo ATTP phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ theo đúng quy định là hết sức quan trọng và cần thiết. Ví dụ như, phong tục tập quán thích ăn tiết canh, gỏi cá… của người dân không thể xử phạt mà chỉ có thể truyền thông thay đổi hành vi, muốn làm được việc này thì phải có thời gian, phải có từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, chúng ta mới triển khai chương trình ATTP 10 năm nay, một thời gian quá ngắn để giải quyết một vấn đề quá lớn, chính vì vậy mà một trong nguyên tắc của ATTP đã được Quốc hội thông qua đó là bảo đảm ATTP phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Trong đó, tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân cực kỳ quan trọng là làm sao đưa được đời sống của người dân tăng cao, khi đó, họ sẽ không chấp nhận việc sử dụng thực phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

Tính từ tháng 1 đến ngày 9/12/2013, cả nước ghi nhận 160 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.238 người mắc; 4.700 người nhập viện; 28 ca tử vong.

Số vụ ngộ độc tập thể (trên 30 người) là 37 vụ với 4.000 người mắc; 3.648 người nhập viện; không có ca tử vong nào.

So với cùng kỳ 2012, số vụ ngộ độc giảm 5 vụ; số người mắc giảm 102 người; số người tử vong giảm 6 người.

Nguồn: Thúy Hà- Chinhphu.vn

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top