Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, sử dụng các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ngộ độc thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm. Trong 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn đã ghi nhận 03 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, trong đó 02 vụ xảy ra tại Công ty có bếp ăn tập thể và 01 vụ xảy ra tại trường học với tổng số 188 người mắc.
Để chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt một số nội dung như:
Xây dựng Kế hoạch chi tiết bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, trong đó tập trung tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể và kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo nội dung công văn số 06/BCĐTƯVSATTP ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Phối hợp, lồng ghép triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015, đặc biệt là cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, kem, bia, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở có bếp ăn tập thể trên địa bàn. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và công khai trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
VFA
Bình luận