Trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng. Đồng thời trên biển Đông đang có nguy cơ xuất hiện các hình thế thời tiết nguy hiểm (áp thấp nhiệt đới, bão).
Thực hiện công điện số 931/CĐ- TTg ngày 21/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay phương án ứng phó thiên tai, để tập trung khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động ứng phó với mưa lũ thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tập trung một số nhiệm vụ sau:
1, Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ khẩn trương:
- Nắm lại tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế, kho tàng vật tư, hoá chất y tế…; chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh giúp tuyến y tế cơ sở khắc phục ngay những cơ sở y tế bị thiệt hại, khôi phục hoạt động khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho nhân dân; bảo đảm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, chú trọng những người già, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai, trẻ em.
- Tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý các yếu tố nguy cơ, không để dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ; bảo đảm an toàn thực phẩm; ưu tiên nguồn lực để triển khai chương trình mục tiêu y tế - dân số, trọng tâm dự án Tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy định dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh không lây nhiễm;
- Ban quân dân y tỉnh tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh điều phối lực lượng tham gia giúp nhân dân vệ sinh môi trường, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, cung cấp nước sạch, thực phẩm; quản lý và điều phối hàng cứu trợ thuộc lĩnh vực y tế; khi cần báo cáo Ban quân dân y Quân khu hỗ trợ.
- Có phương án bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, sinh phẩm y tế ... cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để luôn chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm “ bốn tại chỗ”.
- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo: định kỳ, hàng tuần các SYT có báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng thường trực BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ; báo cáo đột xuất và khi đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ cần có đầy đủ Thông tin để lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
2, Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ:
- Các Viện: Vệ sinh Dịch tễ trung ương, Y học lao động và vệ sinh môi trường, Sốt rét - Ký sinh trùng - Công trùng trung ương, Dinh dưỡng quốc gia, Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần có kế hoạch chủ động tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương (khi có yêu cầu).
- Các Bệnh viện: Cần tổ chức các đội cơ động, sẵn sàng đi hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương, chủ động kế hoạch đi khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng nặng của thiên tai.
- Các đơn vị khi có nhu cầu đi giúp các địa phương cần báo cáo Bộ Y tế (Vụ KHTC) để điều phối chung, tránh chồng chéo.
3, Đối với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế:
- Cục Quản lý Khám chữa bệnh: hướng dẫn về chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ; chú trọng việc sớm phục hồi khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân trong điều kiện mất điện, không kết nối được Internet; phân công các bệnh viện đi các tuyến hỗ trợ địa phương, bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo. Chủ trì đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác tổ chức phòng chống thiên tai tại Hoà Bình, Sơn La.
- Cục Y tế dự phòng: hướng dẫn các địa phương công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động tổ chức các Viện đi giám sát dịch tế, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, thuộc lĩnh vực chủ trì quản lý; dự trữ về thuốc, hoá chất, trang bị phòng chống dịch. Chủ trì đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Lao Cai, Yên Bái.
- Cục quản lý Môi trường y tế: hướng dẫn các địa phương bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường sau lũ; sử dụng hoá chất vệ sinh môi trường, khử trùng nước sinh hoạt. Chủ trì đoàn công tác kiểm tra giám sát công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
- Cục quản lý dược: chỉ đạo việc bảo đảm thuốc chữa bệnh, bình ổn thị trường, bảo đảm chất lượng thuốc, hoá chất, quản lý hàng hoá cứu trợ của các tổ chức, cá nhân.
- Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em: hướng dẫn các địa phương bảo đảm sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em sau thiên tai.
- Vụ Hợp tác quốc tế: kêu gọi tài trợ quốc tế, liên hệ với Tổ chức y tế thế giới để có hướng dẫn chuyên môn và viện trợ thuốc, hoá chất cho nhân dân vùng lũ.
- Văn phòng Bộ chủ trì đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống thiên tai tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá;
- Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức xuất cấp hỗ trợ cơ số thuốc, trang bị phòng chống thiên tai cho các địa phương ( khi có yêu cầu) và sẵn sàng tháp tùng lãnh đạo Bộ đi kiểm tra địa phương.
Yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì các đoàn công tác, hoàn thành báo cáo Lãnh đạo Bộ (qua Thường trực Ban chi huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) trước ngày 27/7/2018.
Mọi thông tin xin liên hệ qua số điện thoại: 024.62732027, 0948125599, Fax 024.62732027, email: pcttbyt@gmail.com
Bình luận