Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế (IDRC) cho biết, năm 2015, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 15 triệu trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh này chủ yếu do chế độ ăn uống không hợp lý: 19% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
Các nước đang phát triển, bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi đang nỗ lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét… lại đồng thời phải đối mặt với sự gia tăng ở mức báo động các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tâm thần, đái tháo đường...
Đặc biệt, tác động của nhóm bệnh không lây nhiễm trên nhóm người trẻ cao hơn tại các nước có thu nhập thấp và trung bình so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn, gây ra gánh nặng kinh tế lâu dài cho xã hội. Thế nhưng, tại các nước này, việc triển khai các nghiên cứu liên quan đến bệnh không lây còn rất hạn chế. Cho đến nay, hầu hết các bằng chứng thu được đều dựa trên các nghiên cứu từ các nước có thu nhập cao.
Do đó, cần có nghiên cứu quy mô lớn hơn trong khu vực châu Á để xác định xu hướng phát triển của bệnh không lây nhiễm, từ đó phát triển các biện pháp can thiệp thích hợp và bền vững.
Điều chỉnh và cải thiện môi trường thực phẩm
Từ ngày 19-21/11, tại Hà Nội, lần đầu tiên diễn hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ 12 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Lào và Việt Nam.
Hội thảo tập trung vào các nội dung như: Xác định và khuyến khích các quốc gia xây dựng những năng lực nghiên cứu cần thiết và thu thập các bằng chứng để đưa ra những khuyến nghị cho việc chuyển đổi các chính sách liên quan có hiệu quả hơn. Đưa ra những đáp ứng nhu cầu được xác định trước của mỗi nước tham gia bằng cách nhấn mạnh những kinh nghiệm ứng phó với thách thức trong cải thiện môi trường thực phẩm thông qua nghiên cứu, can thiệp và tác động chính sách của chính các quốc gia đó.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia sẽ cùng làm việc để phát triển và hoàn thiện các đề xuất nghiên cứu đa quốc gia nhằm cải thiện môi trường thực phẩm.
Ông Greg Hallen, Trưởng Chương trình thực phẩm, môi trường và sức khỏe IDRC nêu rõ: Thông qua hỗ trợ công việc của những nhà nghiên cứu từ các ngành khác nhau và qua chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, chúng ta có thể điều chỉnh môi trường thực phẩm để đem lại một chế độ ăn lành mạnh và phù hợp hơn cho mọi người.
Còn theo GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa, môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có những thay đổi bất hợp lý. Đây là thời điểm chúng ta suy nghĩ nghiêm túc và hành động nhanh chóng nhằm cải thiện môi trường thực phẩm và hành vi lựa chọn thực phẩm, tiến tới kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.
"Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. Việt Nam tập trung theo hướng kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm, theo dõi liên tục, suốt đời bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.
Nguồn: chinhphu.vn
Bình luận