Đến nay, toàn quốc có 182 phòng phòng kiểm nghiệm thực phẩm của ngành y tế và nông nghiệp; 198 cơ sở được chỉ định. Trong tổng số 116.017 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 11.305 mẫu không đạt chỉ tiêu lý hoá, vi sinh.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 794 người mắc, 785 người đi viện, 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10 vụ, 288 người mắc, 101 người đi viện và 7 người tử vong.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến nay Bộ Y tế đã xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin ATTP cập nhật trực tuyến các số liệu: Ngộ độc; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện ATTP… Nhằm khắc phục tình trạng việc thu thập và xử lý báo cáo về ATTP chủ yếu dựa trên hệ thống báo cáo hành chính (giấy tờ) nên thời gian kéo dài, cập nhật không kịp thời, thiếu sự thống nhất. Các Bộ NN&PTNT, Công Thương đang khẩn trương hoàn thành phần mềm cập nhật theo đúng tiến độ trên nguyên tắc tập trung cơ sở dữ liệu với sự phân định chức năng, nghiệp vụ của đơn vị mình.
Cùng với đó, các Bộ Y tế, NN&PTNT, KH&CN, Công Thương đã xây dựng, ban hành một số thông tư liên quan nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật An toàn thực phẩm.
Những tồn tại được các đại biểu tập trung làm rõ là chậm xử lý dứt điểm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thuỷ sản; sử dụng phụ gia thực phẩm; giết mổ không bảo đảm ATTP… Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp. Việc quản lý quảng cáo về các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội còn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tận dụng được những điểm thuận lợi trong công tác bảo đảm ATTP. Đó là nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết. Các tiến bộ KHCN, thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất. Người tiêu dùng có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Những vấn đề đặt ra khiến quản lý ATTP ngày càng phức tạp là quy mô và chủng loại hàng hoá, mức độ trao đổi thương mại nông, thuỷ sản ngày càng lớn, đa dạng.
“Các bộ ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, gần nhất là khẩn trương vận hành hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin ATTP của Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT, các địa phương để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, chỉ đạo kịp thời. Phần nào các đồng chí đã thống nhất được thì đưa vào ngay, không chờ xong toàn bộ”, Phó Thủ tướng để nghị.
Ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước, điểm rất quan trọng là hệ thống thông tin ATTP phải huy động cả xã hội tham gia vào. Ngoài những DN, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lớn thì làm sao để một người nông dân, một quán ăn đều có thể dễ dàng đưa thông tin về các loại rau, quả, thịt, cá, đồ ăn lên hệ thống, có địa chỉ rõ ràng. Còn người tiêu dùng cũng thuận lợi chia sẻ thông tin về những loại thực phẩm, cửa hàng an toàn, phát hiện vi phạm ATTP, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
“Sắp tới, chúng ta cần đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau 3 năm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, giai đoạn 2011-2016 và xác định những hướng mới cần tập trung trong công tác ATTP trong giai đoạn tiếp theo như thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng như hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…”, Phó Thủ tướng nói.
Bình luận