Để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc khẩn trương triển khai các biện pháp xử trí, xác minh tác nhân gây ngộ độc để dự phòng, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả của ngộ độc gây ra, đồng thời có công văn đề nghị một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp khẩn trương triển khai một số các biện pháp cấp bách trên toàn quốc, cụ thể như sau.
1.Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như:
- Cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc.
- Cây Trúc đào (Nerium oleander L.); cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.); Bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa Glycosid tim
- Cây thầu dầu (Ricinus communis L.); cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin ).
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.
3. Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.
VFA
Bình luận