Cục An toàn thực phẩm nhận được thông báo từ văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) về dự thảo sửa đổi biện pháp SPS của Trung Quốc, cụ thể như sau:
1. Thông báo số G/SPS/N/CHN/1312 ngày 11/7/2024 về dự thảo Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia của P.R.C.: Quy tắc thực hành nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm chì trong thực phẩm, cụ thể:
a. Đối với sản xuất nguyên liệu thực phẩm:
- Nước tưới nông nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 5084;
- Nước sử dụng cho chăn nuôi thủy sản phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 11607;
- Hàm lượng chì trong phân bón phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 38400 và các quy định liên quan;
- Đất dùng để trồng trọt làm thực phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 15618;
- Hàm lượng chì trong thức ăn chăn nuôi phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 13078 và các quy định liên quan;
- Cần nhanh chóng loại bỏ pin, phương tiện và máy móc bị bỏ hoang... có chứa chì đã bị phong hóa xung quanh đất được sử dụng để trồng trọt và các chất thải khác có thể gây ô nhiễm chì;
- Không được sử dụng vật tư nông nghiệp có chứa chì hoặc có thể bị nhiễm chì.
b. Thu hoạch, bảo quản và vận chuyển:
- Nguyên liệu và sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm trong quá trình thu hoạch phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các quy định liên quan, đồng thời các dụng cụ phải có đủ độ bền để đảm bảo không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển và xử lý;
- Máy vắt sữa và bể chứa sữa nguyên liệu phải tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia GB 48069, phải theo dõi hàm lượng chì trong nguyên liệu sữa.
c. Chế biến thực phẩm:
- Hàm lượng chì trong nguyên liệu thực phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 2762 và các tiêu chuẩn khác. Bất kể có giới hạn ô nhiễm chì hay không, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nên thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm chì đảm bảo ở mức thấp nhất có thể, đặc biệt là nguyên liệu thô và phụ liệu dùng trong thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
- Hàm lượng chì trong nước chế biến thực phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 5749.
d. Nguyên liệu và vật liệu tiếp xúc với thực phẩm:
- Hàm lượng chì của chất tạo màu trong vật liệu và sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm như mực và chất phủ phải tuân thủ tiêu chuẩn GB 9685. Không để mực in tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
e. Bảo quản và vận chuyển:
- Trong quá trình vận chuyển và bảo quản thực phẩm, cần thực hiện các biện pháp chống bụi để kiểm soát ô nhiễm chì;
- Các vật liệu và sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm được sử dụng phải có đủ độ bền để đảm bảo không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, xử lý và bảo quản, ngăn ngừa nhiễm chì.
- Thời hạn góp ý: trước ngày 01/9/2024.
Chi tiết dự thảo tại: https://members.wto.org/crnattachments/2024/ SPS/CHN/24_04510_00_x.pdf
2. Thông báo bổ sung G/SPS/N/CHN/1295/Add.1, ngày 11/7/2024 về thay đổi nội dung đã thông báo trước đây về dự thảo sửa đổi Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia của P.R.C.: Nguyên tắc chung về ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn, cụ thể:
- Xóa các định nghĩa về thuộc tính: tên, hạn sử dụng và công bố thực phẩm, các yêu cầu cụ thể đối với công bố thực phẩm trong Phụ lục E;
- Sửa đổi yêu cầu ghi nhãn ngày sản xuất. Đối với thực phẩm đóng gói sẵn, có thời hạn sử dụng trên một năm và diện tích bề mặt tối đa của bao bì không quá 20 cm2, chỉ cần ghi thời hạn sử dụng và ngày hết hạn, không cần ghi ngày sản xuất.
- Thời hạn góp ý: trước ngày 10/8/2024
Cục An toàn thực phẩm xin thông báo để các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết và góp ý (nếu có).
Bình luận