Căn cứ Quyết định số 1874/QĐ-BYT ngày 31/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2012 do Bộ Y tế trực tiếp quản lý của Chương trình mục tiêu Quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hướng dẫn nội dung triển khai hoạt động giám sát mối nguy và kiểm nghiệm mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm của Dự án “Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm” năm 2012 do các viện/đơn vị thực hiện như sau:
1. Xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm, thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao trên địa bàn quản lý:
1.1. Lấy mẫu thực phẩm: loại mẫu phổ biến, có nguy cơ cao ô nhiễm vi sinh, hóa học trên địa bàn tỉnh/thành phố theo từng tháng trong năm 2012. Mẫu lấy ở những cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; xét nghiệm ngay sau khi lấy để kịp thời phục vụ công tác quản lý.
1.2. Kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm mối nguy vi sinh, hóa học các mẫu thực phẩm giám sát năm 2012 tại các đơn vị: Phụ lục 1 kèm theo.
a) Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy mẫu tại TP. Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, Lao Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Trong đó ưu tiên lấy tại thành phố Hà Nội (ít nhất 50% số mẫu được giao). Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–13.
b) Viện Dinh Dưỡng Quốc gia lấy mẫu tại tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh. Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–9.
c) Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–9.
d) Trung tâm KN thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm Thừa Thiên–Huế lấy mẫu tại tỉnh Thừa Thiên–Huế, Quảng Trị, TP Đà Nẵng. Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–9.
đ) Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên lấy mẫu tại tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai. Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–9.
e) Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang và Cần Thơ. Trong đó ưu tiên lấy tại TP. Hồ Chí Minh (ít nhất 50% số mẫu). Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–13.
g) Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu giám sát tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà rịa – Vũng Tàu. Thực phẩm và chỉ tiêu giám sát tại mục 1–9.
1.3. Tổng hợp, báo cáo: Các mẫu giám sát phải được lấy vào thời gian trước ngày 10 hàng tháng, báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trước ngày 05 của tháng kế tiếp. Riêng các mẫu có kết quả không đạt yêu cầu theo qui định phải được tổng hợp báo cáo và gửi ngay về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để xử lý kịp thời. Tùy theo năng lực xét nghiệm của các Viện cũng như tình hình thực tế về an toàn thực phẩm của địa phương, các Viện có thể mở rộng chỉ tiêu hoặc thay đổi một số loại thực phẩm cần giám sát nhưng trước đó phải trao đổi và thống nhất với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Báo cáo tổng hợp toàn bộ kết quả giám sát trong năm gửi về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trước ngày 25/12/2012.
2. Kiểm nghiệm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm
2.1. Các Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng thành phố Hồ Chí Minh cử cán bộ tham gia lấy mẫu và kiểm nghiệm phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm tra do Ngành y tế chủ trì theo yêu cầu, hỗ trợ các địa phương trong việc kiểm nghiệm mẫu thực phẩm phục vụ chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, thực hiện giám sát đột xuất và xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm . Việc kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra do các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra quyết định.
2.2. Các Viện tổng hợp, đánh giá và báo cáo riêng kết quả kiểm nghiệm đối với từng hoạt động về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Nguồn kinh phí, định mức và quyết toán:
Các đơn vị tham gia giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm và kiểm nghiệm phục vụ công tác thanh tram kiểm tra, chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm nêu tại mục 2.1 sẽ sử dụng nguồn kinh phí từ Dự án Phòng chống ngộ độc thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012 đã phân bổ, chuyển trực tiếp về đơn vị.
Các nội dung và định mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính số 12/2008/TTLT-BTC-BYT ngày 31/01/2008 hướng dẫn về mức chi Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm; Quyết định số 80/2005/QĐ-BTC ngày 17/11/2005 về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và tại các văn bản hướng dẫn hiện hành khác có liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần có thêm thông tin, đề nghị phản hồi trực tiếp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để thống nhất và xử lý kịp thời.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Bình luận