Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán

Ngày đăng: 27/12/2011 - Lượt xem: 5403

Tết Nguyên Đán là Tết đầu tiên của năm bắt đầu. “Nguyên” là bắt đầu, “Đán” là buổi sớm mai. Nguyên Đán là Tết bắt đầu năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Người người vui vẻ đón xuân mới, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn mới. Ai cũng vui, nên không ai bảo ai, gặp nhau đều cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh.

I- NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ NGUY CƠ MẤT ATVSTP TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN:

1. Nhu cầu tiêu dùng tăng gấp 25 – 30 lần bình thường:

  • Tháng chạp Âm lịch là thời kỳ hoạt động kinh tế khẩn trương nhất. Việc mua bán phát triển một cách lạ thường. Ở tất cả các chợ từ đô thị lớn đến đô thị nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Ở khắp mọi miền đất nước.
  • Nếu như trong năm người ta có rất ít nhu cầu và chỉ ăn một xuất ít ỏi, thì trong những ngày Tết, người ta cố gắng để ăn no nê hơn bình thường, cố gắng uống cho “đã”, vì quan niệm cả năm vất vả mới có một ngày Tết.
  • Vào dịp Tết, từ xa xưa đã thành truyền thống, cùng là thời kỳ trao đổi quà biếu mạnh mẽ nhất: Gửi cho nhau những gói kẹo, chai rượu, hộp mứt… Ai nấy đều coi là vinh dự vì được chi tiêu hào phóng và biếu xén bạn bè thân thích cái để “Ăn Tết” và cúng bái Tổ tiên.

2. Vào dịp Tết, hàng chục, hàng trăm món ăn truyền thống cũng như các món ăn du nhập được chế biến để dùng và để bán:

  • “Món cá ướp chua”, “Túm hoa chuối vàng” không thể thiếu được ở người Mường.
  • Món “Lạp”, “Nậm Pịa” của người Thái.
  • Món “Thắng cố” của người HMông.
  • Món “Chuột đồng xào xả ớt” của người Nam Bộ.
  • Tắc kè xào lăn của dân Long Xuyên.
  • Rơi, quạ hấp chao của Rừng U Minh.
  • Bồn bồn kho tép, cá Bống kho tiêu, Ba khía ngâm muối của dân Bạc Liêu, Đất Mũi.
  • Cơm Hến, bánh dân gian xứ Huế.
  • Bánh chưng ở Bắc Bộ, bánh tét ở Nam Bộ.
  • Bún ốc, Phở, cá ở Hà Nội.

            Và hàng vài chục các loại bánh kẹo, rượu, đồ uống đặc sản cho các vùng.

            Các loại đồ ăn thức uống này, trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, nguồn nguyên liệu cũng bị ô nhiễm, nếu không chú ý đảm bảo VSAT, sẽ dễ là nguy cơ gây NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.

3. Điều kiện thời tiết ở nước ta vào dịp Tết thường có mưa phùn, nóng, ẩm, giá rét thất thường, dễ làm hư hỏng thức ăn:

  • Chất mỡ, đạm dễ bị hư hỏng, biến tính: nem chạo, nem chua.
  • Chất bột dễ ôi thiu, bánh trái các loại.
  • Các loại hạt dễ mốc: Cà phê, lạc, điều…dễ sinh ra độc tố độc (Aflatoxin, orchratoxin), chất gây ung thư cho người dùng.
  • Việc lưu thông thực phẩm đến các vùng cũng dễ gây mất an toàn.

4. Nhiều tục lễ vào dịp Tết làm cho thức ăn dễ ô nhiễm, cũng như làm sức khoẻ dễ giảm sút, vì thế dễ bị NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm:

  • Lễ Trừ Tịch (cúng giao thừa)
  • Lễ chùa, Đình, Đền.
  • Tục Hái lộc.
  • Xông nhà.
  • Thăm mộ gia tiên.
  • Chúc Tết.
  • Mừng tuổi.
  • Thăm hỏi bạn bè, đồng nghiệp.
  • Cúng 30, cúng Hoá vàng.
  • Kén hướng xuất hành…

Chế độ ăn uống thất thường, tuỳ tiện dễ gây rối loạn tiêu hoá, NĐTP…

5. Vào dịp Tết, việc sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm giả còn khá phổ biến:

+ Giả về chất lượng công dụng:

  • Sản phẩm không đảm bảo CLVSATTP, nhất là sản phẩm của các cơ sở nhỏ, lẻ.
  • Sử dụng phụ gia, phẩm màu độc (hay gặp sản phẩm nhập lậu, của các cơ sở sản xuất thời vụ).
  • Không đảm bảo thành phần nguyên liệu hoặc thay thế nguyên liệu.
  • Chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn mà đã sử dụng giấy chứng nhận hoặc dấu phù hợp tiêu chuẩn (với danh mục hàng hoá bắt buộc).

+ Giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng CN, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

+ Giả về nhãn hàng hoá:

  • Giả nhãn của người khác.
  • Chỉ tiêu ghi trên nhãn không phù hợp CLVSATTP, không có ngày sản xuất, không có HSD…

+ Các loại ấn phẩm đã in, sử dụng vào việc sản xuất, tiêu thụ hàng thực phẩm giả.

  • Đề can, tem, nhãn giả.
  • Chứng chỉ, chứng nhận … giả.

Các loại thực phẩm giả hay gặp:

  • Rượu, bia.
  • Nước giải khát, tăng lực, nước khoáng…
  • Mì chính, bột ngọt.
  • Kẹo, bánh, mứt.
  • Nước mắm, nước chấm.
  • Thức ăn sống, thức ăn chín…

           

6. Vào dịp Tết , hàng thực phẩm nhập khẩu ( kể cả chính ngạch và nhập lậu) cũng tăng lên một cách bất thường, cả chủng loại lẫn số lượng, cả hàng thật và hàng giả:

  • Các loại rượu.
  • Các loại thuốc lá.
  • Hàng chục loại bánh kẹo.
  • Nước giải khát, tăng lực…

II. BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO CLVSATTP TRONG DỊP TẾT:

1. Tăng cường các biện pháp quản lý đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, để đảm bảo:

  • Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc.
  • Đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn.
  • Đảm bảo quy chế nhãn mác, quy định bảo quản, vận chuyển.
  • Đặc biệt chú ý các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình, sản xuất thời vụ, ở các vùng ven đô, thị xã, thị trấn.

2. Các cơ sở buôn bán thực phẩm: Cần đảm bảo:

  • Chỉ kinh doanh, bán những loại thực phẩm đảm bảo CLVSATTP cho người tiêu dùng.
  • Tuyệt đối không buôn, bán hàng thực phẩm giả.
  • Chú ý các điều kiện đảm bảo VSAT trong bảo quản tại kho tàng, cửa hàng và trong quá trình vận chuyển lưu thông.

3. Các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống ở các chợ, khu vực lễ hội: Cần đảm bảo các tiêu chuẩn VSAT:

  • Đảm bảo đủ nước sạch.
  • Có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống.
  • Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm).
  • Người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khoẻ định kỳ.
  • Nhân viên có tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng.
  • Không được dùng phụ gia và phẩm màu không được phép sử dụng cho thực phẩm.
  • Thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60 cm.
  • Thức ăn phải được bày bán trong tủ kính.
  • Thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh.
  • Có dụng cụ đựng chất thải.

4. Ở mỗi bếp ăn, hộ gia đình, cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn:

  1. Chọn các thực phẩm tươi, sạch tự nhiên, không dập nát.
  2. Thực hiện “Ăn chín, uống sôi”. Ngâm rửa sạch rau quả tươi nhất là các loại dùng ăn sống.
  3. Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong.
  4. Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín.
  5. Đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại.
  6. Không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.
  7. Rửa tay trước khi chế biến thực phẩm. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  8. Giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo.
  9. Không ăn các thức ăn ôi thiu, mốc hỏng.
  10. Dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

5. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các văn bản pháp luật, các quy định, quy chế VSATTP từ khâu sản xuất, lưu thông phân phối, nhập khẩu, đến tiêu dùng. Cần chú ý thanh tra liên ngành giữa y tế, công an, quản lý thị trường, thú y và bảo vệ thực vật.

6. Mở một chiến dịch truyền thông với việc huy động được các kênh truyền thông khác nhau, huy động nhiều hình thức phong phú, tập trung vào việc phổ biến các quy định, tiêu chuẩn và phổ biến hướng dẫn các kỹ thuật, kiến thức cho người sản xuất, người kinh doanh dịch vụ và người tiêu dùng.

7. Nâng cao nhận thức và thực hành của người tiêu dùng, phấn đấu mỗi người hãy là “Người tiêu dùng thông thái”, trong việc chọn, mua và sử dụng thực phẩm. (Xem bài Sử dụng tứ chẩn: Nhìn – Sờ – Nếm – Ngửi để lựa chọn thực phẩm an toàn)

8. Cảnh giác với các đồ bao gói, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo VSAT:

  • Nồi đồng làm “thôi” đồng vào thức ăn.
  • Nồi nhôm làm “thôi” nhôm vào thức ăn.
  • Vại muối dưa bằng nhựa, đồ tráng men, làm “thôi” Antimoan và chất độc khác vào dưa.
  • Đồ sứ tráng men mầu làm “thôi” chì vào thực phẩm.
  • Các đồ bao gói mất vệ sinh như giấy báo, lá chuối, túi nilon … làm ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất độc vào thực phẩm.

9. Mỗi người hãy nêu cao trách nhiệm tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và bảo vệ cộng đồng, vui xuân nhưng không quên giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vui vẻ đón Xuân nhưng chú ý:

            Kết hợp vui chơi, giải trí với ăn uống hợp lý, vệ sinh an toàn. Theo “Văn hoá ẩm thực” cần phải:

  • Ăn theo điều hoà ngũ vị. “Ngũ cốc là chất dinh dưỡng, ngũ quả là chất trợ giúp, ngũ súc là chất bổ, ngũ thải là chất bổ sung”. Có kết hợp hợp lý các món ăn mới đảm bảo “xương cứng gân khoẻ, khí huyết lưu thông, làn da thớ thịt mịn màng”.
  • Ăn phải “án thời tiết lượng”, đảm bảo điều độ, có quy luật, tránh thái quá gây hậu quả khôn lường.
  • Ăn nên tránh thiên về một vị. “Phàm hòa xuân đa toan, Hạ đa thổ, Thu đa tân, Đông đa hàm, Điều dĩ hoạt can”, nghĩa là mùa xuân có vị chua lớn, mùa hè có vị đắng lớn, mùa thu có vị cay lớn, mùa đông có vị mặn lớn, phải dùng kết hợp các thức ăn có tính “đối lập” để làm nhạt và pha loãng các vị trên, không làm tổn thương tới sức khoẻ.
  • Ăn phải chú ý “vệ sinh ẩm thực”, đảm bảo an toàn, nâng cao sức khoẻ, tránh gây béo phì hoặc các bệnh truyền qua thực phẩm.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525