Ngộ độc Rượu - Vấn đề báo động đỏ tại Việt Nam

Ngày đăng: 23/10/2011 - Lượt xem: 8598

Rượu là đồ uống của loài người có từ lâu đời ở cả Việt Nam cũng như trên khắp các châu lục. Rượu được sản xuất hằng năm với số lượng lớn, nhiều chủng loại. Trên thế giới là 30 tỉ lít rượu trắng/năm, 20 tỷ lít rượu vang/năm; 

Theo thống kê năm 2007 ở Việt Nam có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Lượng rượu tiêu thụ mỗi năm là rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm đang được lưu hành tự do trên thị trường; cùng với ý thức chủ quan của người tiêu dùng, sự chưa vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng có xu hướng gia tăng.

Rượu ở khắp mọi nơi, từ các quán vỉa hè tới những cửa hàng, khách sạn sang trọng và phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Nguyên nhân con người uống rượu có thể chia thành 2 nhóm chính là: (1) những nguyên nhân về xã hội như giao tiếp về công việc, cuộc sống; (2) về thói quen cá nhân như tâm lý như buồn, vui và bệnh lý nghiện rượu... Rượu được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng sẽ đem lại trạng thái khỏe cả về thể chất và tinh thần cho người sử dụng.

Tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người uống, cho giống nòi và gây ra những hành vi, hậu quả không tốt cho xã hội. Theo WHO (2003), rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm phụ nữ và 18% tai nạn giao thông và có 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch…. Theo số liệu thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương của Việt Nam, tỷ lệ người điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 – 6% số bệnh nhân tâm thần, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên từ 4,4% (Năm 2001) lên 7,03% (Năm 2005).

Ngộ độc rượu đã thực sự trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng ở Việt Nam. Tính từ năm 2000 tới ngày 19/10/2008 đã xảy ra 28 vụ ngộ độc rượu với tỉ lệ chết/mắc là 21,4% (34/159 người mắc). Các vụ ngộ độc xảy ra trên phạm vi cả nước: tại Miền Bắc  là 14/28 vụ (50,0%), 9/34 người chết (26,5%); tại Miền Nam là 9/28 vụ (32.1%), 15/34 người chết (44,1%); đặc biệt tại tỉnh Hậu Giang ngày 27/4/2008 đã xảy ra vụ ngộ độc do uống rượu nếp đục (rượu sữa) 7/44 người uống bị tử vong. Nguyên nhân là do tình trạng buôn bán, sử dụng rượu rượu pha, rượu ngâm các loại cây, con theo kinh nghiệm cá nhân không đảm bảo an toàn thực phẩm; rượu ngâm nhầm với những cây độc. Trong thời gian gần đây, ngộ độc rượu trở nên phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng như tại thành phố Hồ Chí Minh từ 29/9 – 20/10/2008 có 5 vụ ngộ độc với 10/28 người chết (35,7%) do rượu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu bị nghiêm cấm là cồn Methanol vì lợi nhuận (Giá thành rẻ, dễ pha chế, khó phát hiện bằng cảm quan).

Rượu uống có nhiều loại được phân chia theo nguồn gốc từ sản phẩm lên men rượu từ tinh bột (Gạo, ngô, sắn, hoa quả, dịch đường...); phân chia theo nồng độ rượu trong sản phẩm. Rượu uống được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là thực phẩm, được ủ với men rượu và chưng cất theo phương pháp dân gian hay công nghiệp. Tuyệt đối không được sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu. 

Ngay sau khi uống rượu, 20% lượng rượu được hấp thụ ngay tại dạ dày và 80% còn lại được hấp thụ ở ruột. Sau khi uống vài phút rượu đã đi vào máu và sau vài giờ nồng độ cồn trong máu sẽ lên đến cực đại có thể dẫn đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng tùy theo số lượng rượu, chủng loại rượu và cơ địa người sử dụng. Có hai loại ngộ độc rượu chính thường xảy ra đó là:

1. Ngộ độc rượu Etylic (Rượu Etanol - C2H5OH)

          Etanol nồng độ cao trong máu có tác hại làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức và thở nông. Ngộ độc Ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.

          Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (Người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Rãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong.

         Ngộ độc mạn tính: Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hoá gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.

2. Ngộ độc rượu Methylic (Rượu Methanol - CH3OH)

          Methylic được dùng thông dụng trong công nghiệp hoá chất cũng như trong đời sống. Ngộ độc do rượu Methylic có thể bị do uống nhầm hoặc hoạt động gian lận trong kinh doanh pha chế rượu từ cồn công nghiệp. Cồn Methylic rất độc vì chúng thải trừ chậm, chuyển hoá oxy hoá thành Formol (Formaldehyd)  và axit Formic là những chất gây độc đến chức năng hô hấp của tế bào.

                                CH3OH     ->     HCHO  ->       HCOOH  ->     CO2

Methylic là một chất độc cực mạnh, chỉ cần uống 5 - 15 ml có thể gây ngộ độc nặng (Mệt lả, mạch nhanh, hạ huyết áp, giảm cảm giác, rối loạn ý thức, giảm phản xạ, hôn mê…), 15 ml trở lên là gây mù loà, 30 ml có thể gây tử vong.

Về quản lý đối với việc sản xuất, kinh doanh rượu Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2008/NĐ - CP ngày 7/4/2008  quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải có Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép kinh doanh rượu; Rượu suất xưởng phải đạt các tiêu chuẩn về chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu hoá học, yêu cầu trong quá trình bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển đối với rượu: Tiêu chuẩn TCVN 7043:2002 đối với rượu trắng; Tiêu chuẩn TCVN 7044:2002 đối với rượu mùi và Tiêu chuẩn TCVN7045:2002 đối với rượu vang.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho gia đình và xã hội, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn, sử dụng rượu. Không uống các loại rượu không có nhãn mác, rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, rượu sản xuất ở các cơ sở không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh; không tự mua thuốc Bắc, tự mua hay sưu tầm cây, con theo kinh nghiệm về ngâm để uống; tuyệt đối không dùng rượu quá liều lượng, quá mức độ như uống say, quá say. Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời.

 

TS. Lâm Quốc Hùng (Cục ATVSTP)

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top