Bảo đảm ATTP: Xử nghiêm, tuyên truyền mạnh

Ngày đăng: 01/01/2014 - Lượt xem: 3241

Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thông tin cho cơ sở sản xuất, nâng cao kiến thức sử dụng của người dân.

(Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chủ trì hội nghị)

Chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), sáng 2/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vấn đề ATTP liên quan không chỉ đến sản xuất, lưu thông hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến thói quen, sức khỏe của từng người, thậm chí của cả giống nòi.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, chương trình hành động để đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng còn nhiều vướng mắc cụ thể là do chúng ta chưa quyết liệt hành động, phối hợp, chỉ đạo chưa nhịp nhàng. Không thể nói rằng đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ATTP nếu hành động chưa quyết liệt, Phó Thủ tướng phân tích.

(Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội nghị)

Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP cho biết trong năm 2013, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tiếp tục được đẩy mạnh.

Việc thanh, kiểm tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các ban, ngành liên quan, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đã giảm từ 21,2% (năm 2012) xuống còn 20,1%; số mẫu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8%.

Nhiều vi phạm về ATTP được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép cơ bản đã được đẩy lùi, ngăn chặn. Ngộ độc thực phẩm được kiểm soát; số vụ mắc, chết đều giảm so với năm 2012.

Tuy nhiên, việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ vệ sinh thú y chưa được cải thiện nhiều; việc lấy mẫu để kiểm nghiệm trong quá trình thanh, kiểm tra còn hạn chế; vi phạm về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn diễn biến phức tạp.

Nhiều địa phương phản ánh việc chậm ban hành các thông tư, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực ATTP theo Luật ATTP đang gây khó cho công tác quản lý ở cơ sở.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lãnh đạo các bộ, các địa phương tại Hội nghị đều phản ánh thực tế thiếu trang thiết bị, kinh phí, chế độ cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm về ATTP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ: Hiện lực lượng quản lý thị trường rất thiếu các phương tiện có thể xét nghiệm nhanh những mẫu thực phẩm nghi ngờ về ATTP cũng như kinh phí để tiêu hủy các lô hàng thực phẩm vi phạm.

Với quan điểm "không chấp nhận tình trạng một người kiếm lợi trên lưng nhiều người khác," Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm phải tập trung vào những cơ sở xếp loại C, hiện chiếm khoảng 20%, chứ không làm tràn lan, ngẫu hứng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mới với mức phạt gấp 7 lần so với trước; trình Chính phủ Đề án xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống cảnh báo nhanh nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong vấn đề kiểm nghiệm về thực phẩm.

(Toàn cảnh hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm)

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật ATTP và các văn bản liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các khâu, mặt hàng, vùng trọng điểm với tinh thần xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Việc thanh tra, xử phạt phải nghiêm khắc, đúng luật, phải công khai danh tính cơ sở vi phạm ra cộng đồng. Đối với hộ kinh doanh cá thể thì tuyên truyền, giáo dục là hết sức quan trọng bởi có thể họ chưa nhận thức được đầy đủ về vấn đề ATTP.

Nếu nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, rau, quả, nhất là những cơ sở cá thể, biết rằng việc sử dụng các chất cấm có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người dùng tương đương như việc gây thương tật đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự thì họ sẽ không làm vậy. Nếu giáo dục không được, khi đó chúng ta xử lý nghiêm thì xã hội sẽ đồng tình, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính, KHĐT các địa phương lưu ý kiến nghị về cơ chế tài chính, trang thiết bị đối với các lực lượng thanh tra ATTP trên địa bàn; các địa phương tăng cường cán bộ làm công tác thanh tra về vệ sinh ATTP từ cấp Trung ương đến cấp xã, trong đó tận dụng cán bộ xã, phường kiêm nhiệm thanh, kiểm tra về ATTP.

Nguồn: Chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top