Huy động nguồn lực xã hội vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 15/01/2014 - Lượt xem: 2996

Bên cạnh việc thực thi nghiêm các quy định, chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế cụ thể, rõ ràng trong huy động nguồn lực xã hội vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các bộ, ngành phải khẩn trương ban hành những thông tư, hướng dẫn trong lĩnh vực ATTP, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương khi thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu yêu cầu này trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội về công tác ATTP, ngày 16/1.

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho biết hiện Thành phố có 57.902 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó cấp xã/phường/thị trấn quản lý 47.269 cơ sở; tuyến quận/huyện quản lý 8.240 cơ sở; tuyến Thành phố quản lý 2.399 cơ sở. Trong năm 2013, các cơ quan chức năng của Thành phố đã thanh tra 132.511 lượt cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt ATTP 83,2%; xử lý vi phạm trên 12 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm đạt 69%; 84% bếp ăn tập thể ký cam kết đảm bảo ATTP.

Phó Thủ tướng đánh giá kết quả công tác đảm bảo ATTP của Hà Nội cho thấy Thành phố đã thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, và cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm cụ thể của địa phương cũng như bộ, ngành.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: Vấn đề ATTP lâu nay chúng ta nói nhiều, người dân cũng cảm thấy không hài lòng. Chúng ta mới nói nhiều đến góc độ ngộ độc nhưng có những thứ không gây ngộ độc ngay mà tích tụ chất độc trong người nên vô cùng nguy hiểm. Và điều này người dân chưa được cảnh báo đúng lúc. Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi  sự dũng cảm, quyết liệt, kiên trì và phải ngăn chặn ngay từ đầu vào, không thực hiện theo phong trào.

Tại nhiều làng trồng rau, người dân hoàn toàn biết ai phun thuốc, sử dụng chất cấm, ai không, vấn đề là địa phương cần phải vận động, tuyên truyền, phân tích rõ lợi, hại cho họ. Đồng thời có những giải pháp để quảng bá, mở rộng thị trường cho những cơ sở sản xuất đảm bảo ATTP thay vì chỉ tập trung vào xử lý, răn đe, Phó Thủ tướng phân tích.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý phải hết sức chú trọng hoạt động tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy tính thiện trong từng con người, từng cá nhân sản xuất, vận chuyển, kinh doanh nông sản, thực phẩm, đừng vì lợi ích trước mắt mà đầu độc, gây hại cho sức khỏe của nhiều người, nhiều gia đình. Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương (NNPTNT, Y tế, Công Thương) phải chủ động, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn cụ thể trong công tác bảo đảm ATTP. Cụ thể như hướng dẫn kiểm nghiệm chất lượng ATTP, cơ chế thu giữ, tiêu hủy gia cầm nhập lậu; kiểm soát chất lượng rượu…

Không thể nhẹ tay với thực phẩm bẩn

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận về công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn TP. Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát bày tỏ lo lắng về khả năng nhập lậu gia cầm gia tăng vào dịp cuối năm trong khi diễn biến dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc đang rất phức tạp. Vì vậy, thời điểm hiện tại, hoạt động phòng chống buôn lậu gia cầm càng phải thực hiện quyết liệt hơn nữa. Lực lượng của Thành phố phải giám sát các trục giao thông chính, các tuyến đường khác cần giao trách nhiệm cụ thể cho các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra việc đảm bảo ATTP đối với các mặt hàng trọng điểm tiêu thụ dịp Tết; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị xếp loại C.

“Chúng ta không thể nhẹ tay với những người cung cấp thực phẩm bẩn cho người dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Đồng tình với Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng các hoạt động thanh, kiểm tra thực phẩm dịp Tết được triển khai quyết liệt, đồng bộ sẽ có tác động, hiệu quả càng rõ rệt.

Lắng nghe các kiến nghị cụ thể từ TP. Hà Nội cũng như các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội đầu tư làm thí điểm đặt máy kiểm định ATTP trước hết tại các chợ đầu mối; nghiên cứu, đề xuất cơ chế để xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm ATTP; công khai cơ sở, cá nhân vi phạm, huy động các tổ chức, đoàn thể xã hội tham gia giám sát công tác đảm bảo ATTP.

Nguồn: Minh Khôi- Chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top