Cho đến nay, JECFA đã đánh giá được hơn 1.500 các chất phụ gia thực phẩm, khoảng 40 các chất nhiễm bẩn và độc tố tự nhiên và khoảng 100 loại dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm. JECFA còn xây dựng các Nguyên tắc đánh giá nguy cơ hóa học trong thực phẩm phù hợp với các nguyên tắc đánh giá nguy cơ hiện hành và có xem xét đến các thành tựu mới của các nghiên cứu trong các lĩnh vực độc học, các thành quả khoa học trong vi sinh vật học, công nghệ gien, hóa thực phẩm kể cả hóa phân tích và đánh giá dư lượng tối đa thuốc thú y.
JECFA họp 2 năm một lần với các chương trình nghị sự riêng biệt bao gồm các chủ đề: Phụ gia thực phẩm, chất nhiễm bẩn và độc tố tự nhiên trong thực phẩm và Dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm. Thành viên JECFA thay đổi trong mỗi lần họp bao gồm các chuyên gia được triệu tập tùy theo chuyên đề của kỳ họp. Cuộc họp đầu tiên của JECFA tổ chức vào năm 1956, tính đến tháng 6/2011 thì JECFA đã qua 72 kỳ họp chuyên gia của mình.
JECFA là một ủy ban khoa học độc lập chuyên tổ chức đánh giá nguy cơ và cung cấp tư vấn khoa học cho WHO và FAO cũng như cho các nước thành viên. Yêu cầu cung cấp tư vấn khoa học chủ yếu thực hiện thông qua Ủy ban Codex quốc tế (CAC) trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và đảm bảo thương mại quốc tế công bằng. Các tư vấn khoa học mà JECFA cung cấp cho Codex thường thông qua các Ban kỹ thuật của Ủy ban Codex là: Ban kỹ thuật về Phụ gia thực phẩm (CCFA); Ban kỹ thuật về chất nhiễm bẩn (CCCF) và Ban kỹ thuật về Dư lượng thuốc thú y (CCRVDF).
Tất cả các quốc gia đều cần có đánh giá nguy cơ hóa học trong thực phẩm nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có trình độ chuyên gia cũng như nguồn tài chính để tổ chức đánh giá nguy cơ, nhất là đánh giá từng loại hóa chất trong tổng số rất nhiều các hóa chất là phụ gia thực phẩm, chất nhiễm bẩn hay thuốc thú y. Do đó JECFA đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn tư vấn chuyên gia độc lập và tin cậy để thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng toàn cầu và đảm bảo thương mại thực phẩm công bằng và an toàn. Nhiều quốc gia đã sử dụng các thông tin của JECFA để xây dựng chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm của mình, CCFA cũng như CCRVDF cũng dựa trên các đánh giá của JECFA để xây dựng các tiêu chuẩn Codex về phụ gia thực phẩm và dư lượng thuốc thú y. Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp quy về chỉ tiêu mức tối đa phụ gia thực phẩm và dư lượng tối đa các loại thuốc thú y trong thực phẩm, Việt Nam cũng dựa chủ yếu vào các kết quả và đánh giá khoa học của JECFA đã được Codex thông qua.
FAO và WHO có vai trò bổ xung cho nhau trong việc tuyển chọn chuyên gia cho JECFA. FAO chịu trách nhiệm tuyển chọn các chuyên gia trong việc xây dựng các mô tả tính chất, độ tinh khiết phụ gia thực phẩm, đánh giá dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm. WHO chịu trách nhiệm tuyển các chuyên gia phục phụ đánh giá độc tính các chất đang được xem xét để xác định Mức ăn vào cho phép hàng ngày (ADI). Cả 2 tổ chức cùng nhau xây dựng danh sách chuyên gia được tuyển chọn phân công công việc cho kỳ hạn 5 năm. Các chuyên gia được lựa chọn cho mỗi cuộc họp dựa trên năng lực chuyên ngành, kinh nghiệm sự cân bằng và chương trình nghị sự của kỳ họp. FAO và WHO chịu trách nhiệm cung cấp kinh phí cho các chuyên gia tham dự các kỳ họp.
Sau mỗi một kỳ họp, Ban thư ký JECFA sẽ chuẩn bị và xuất bản báo cáo bao gồm các kết quả và các kết luận của kỳ họp. Thường thường các thông tin được trình bày ở dạng các bảng bao gồm các chi tiết về Mức ăn vào mỗi ngày chấp nhận được (ADI) hay Dư lượng tối đa cho phép (MRL). Các mô tả chính xác của các số liệu chính sử dụng trong khảo sát, việc đánh giá các số liệu và các kết luận của Ủy ban sẽ được trình bày trong ấn phẩm Các Báo cáo Kỹ thuật (TRS) do WHO xuất bản. Các đánh giá về độc tính và phơi nhiễm sẽ được xuất bản trong Báo cáo Phụ gia thực phẩm (FAS). Các ấn bản trên đều có thể tra cứu được trên websites của FAO và WHO.
Việt Nam là thành viên của Ủy ban Codex quốc tế (CAC) từ năm 1989. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng ở Việt Nam có thể tìm hiểu, tham khảo và sử dụng các thông tin, kết quả đánh giá khoa học về an toàn thực phẩm của JECFA trên internet hoặc thông qua Ủy ban Codex Việt Nam.
TS Vũ Ngọc Quỳnh - Ủy ban Codex Việt Nam
Bình luận