Quy định về khám sức khỏe cho công nhân sản xuất thực phẩm

Ngày đăng: 01/03/2019 - Lượt xem: 66227

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Elovi Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về việc khám sức khỏe đối với người lao động trực tiếp tham gia quá trình sản xuất chế biến thực phẩm.

Công ty CP Elovi Việt Nam sản xuất thực phẩm sữa tươi đóng hộp. Trước đây, Công ty thực hiện khám sức khỏe cho công nhân theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, trong đó có quy định Danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm bao gói sẵn, kinh doanh thực phẩm ăn ngay. Tuy nhiên, nay Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT đã hết hiệu lực.

Công ty CP Elovi Việt Nam hỏi, Công ty thực hiện khám sức khỏe cho công nhân, đặc biệt là công nhân tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất thực phẩm phải áp dụng theo quy định nào?

Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, người sản xuất, kinh doanh phải đủ sức khỏe để tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực tế trong luật lao động cũng đã có quy định về khám sức khỏe khi tuyển dụng và khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe.

Theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, “Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh”.

Đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu quan trọng nhất là không truyền bệnh qua thực phẩm do đó quy định không mắc các bệnh truyền nhiễm. Việc quy định này không có nghĩa là trước khi vào làm ở cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm người lao động và chủ cơ sở phải khám sức khỏe xác định không mắc các bệnh này mà trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu người lao động phát hiện mắc các bệnh này thì phải được đưa ra khỏi khu vực sản xuất và điều trị cho đến khi khỏi bệnh mới được trở lại sản xuất, kinh doanh. 

Trách nhiệm thuộc về chủ cơ sở, nếu để người mắc các bệnh trên mà gây ra hậu quả truyền bệnh cho người tiêu dùng thì chủ cơ sở sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top