Kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2011 cho thấy số vụ việc vi phạm có chiều hướng giảm, tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể giảm đáng kể, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân được nâng lên.
Mặc dù đã đạt được kết quả trên song công tác an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều vi phạm như: kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định... còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Nhằm tăng cường và tập trung cao cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, đồng thời từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vào nền nếp, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan y tế các bộ, ngành thực hiện các nội dung công việc sau:
1. Giám đốc Sở Y Tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương và các Sở ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố khẩn trương triển khai đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 theo đúng kế hoạch số 20/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 25/11/2011 của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, cần chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra cần kiểm tra toàn diện tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm; thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào những cơ sở có dấu hiệu vi phạm, cơ sở có các sản phẩm không bảo đảm an toàn.
b) Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các cơ sở y tế chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, chú trọng tới các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học.
c) Tổ chức phát các thông điệp, đưa tin, bài tuyên truyền, vận động, giáo dục cộng đồng về bảo đảm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các đơn vị, địa phương về chuyên môn kỹ thuật và các nội dung, thông điệp tuyên truyền giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm.
b) Là đầu mối triển khai thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Thủ trưởng cơ quan y tế ngành
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý.
Nhận được Chỉ thị này, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan y tế các bộ, ngành có trách nhiệm khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm).
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - PTTg Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo); - VPCP: Vụ KGVX, TH; - Trang tin điện tử Đảng CSVN (để đưa tin); - Trang tin điện tử Chính phủ (để đưa tin); - TTXVN, Đài TNVN, THVN (để đưa tin); - Bộ Y tế: Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để chỉ đạo); - Các vụ, cục, Tổng cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ, các Viện kiểm nghiệm ATVSTP; website BYT; - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Y tế các ngành, Cục Quân y; - Lưu: VT, ATTP. |
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Nguyễn Thị Kim Tiến Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành TW về VSATTP |
Bình luận