Quản lý ATTP: Vấn đề là tổ chức thực hiện

Ngày đăng: 16/11/2015 - Lượt xem: 5906

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 17/11, về hoạt động phối hợp trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện các quy định luật pháp trong lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện.

Khẳng định thời gian qua các bộ, ngành, địa phương và kể cả các đoàn thể đã có rất nhiều cố gắng trong phối hợp đảm bảo VSATTP, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: Chúng ta có nhiều tiến bộ nhưng còn rất nhiều bất cập, chưa đạt được mong muốn của nhân dân cũng như mục tiêu đề ra của Chính phủ, của chính các bộ, ngành trong lĩnh vực VSATTP. Có nhiều nguyên nhân của những bất cập, yếu kém nhưng không phải do việc phân công, phân nhiệm có chồng chéo.

Không chồng chéo trong quản lý ATTP

Đi sâu vào phân tích cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết trước năm 2011, thời điểm Luật ATTP có hiệu lực, công tác quản lý VSATTP được thực hiện theo cách phân đoạn. Theo đó, Bộ NN&PTNT quản lý khâu sản xuất; Bộ Công Thương quản lý khâu lưu thông và Bộ Y tế quản lý khâu chế biến.

Sau đó, Luật ATTP được xây dựng theo tư duy rất mới, phù hợp với quốc tế là quản lý theo chuỗi và theo ngành hàng, theo từng nhóm sản phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế (trong nông nghiệp bao gồm cả khâu giết mổ) tới chế biến, lưu thông, kinh doanh. Luật quy định rất rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước ở các Điều 61, 62, 63, 64 đối với 3 bộ NN&PTNT, Công Thương, Y tế. Nghị định của Chính phủ năm 2012 cũng quy định rất cụ thể theo tinh thần của Luật ATTP.

Gần đây nhất, tháng 4/2014, các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Y tế đã ký thông tư liên tịch giữa 3 bộ trong đó quy định rất chi tiết nguyên tắc là mỗi một việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm chính là đầu mối và có phụ lục đầy đủ từng ngành hàng, nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT.

Trao đổi cụ thể với các ĐBQH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP không chỉ thông qua các phiên họp định kỳ mà thường xuyên có sự trao đổi trực tiếp từ cấp lãnh đạo, đến từng chuyên viên để xử lý ngay những vấn đề bị bỏ sót hay mới phát sinh.

“Cho nên chúng ta cơ bản không có vấn đề về mặt phối hợp. Luật pháp về quản lý ATTP đến tầm nghị định, giờ phút này cơ bản đầy đủ và nếu thực hiện tốt thì vấn đề có thể được giải quyết cơ bản. Vậy câu chuyện là ở chỗ tổ chức thực hiện”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Vận động, tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng

Nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện đảm bảo VSATTP không chỉ là trách nhiệm của từng bộ ngành, sự vào cuộc của các cấp chính quyền bên dưới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm với Quốc hội về sự cần thiết phối hợp giữa quản lý bằng pháp luật với tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với truyền thống, với đạo đức.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh quy định trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền VSATTP của Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT được nêu trong Luật ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã làm việc rất nhiều với các đoàn thể từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, MTTQ Việt Nam... về công tác này. Bởi với hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm và đảm bảo ATTP diễn ra ở quy mô hộ gia đình (khoảng hơn 10 triệu hộ), thì các hội, đoàn thể cơ sở là nơi nắm rõ hộ dân nào, ai sử dụng chất cấm, sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

“Cũng xin báo cáo Quốc hội, chúng tôi thậm chí đã phối hợp với MTTQ Việt Nam, với Bộ Nội vụ; trực tiếp tôi đã gặp các chức sắc chủ yếu của các tôn giáo đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam để thảo luận và bàn về vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm “sẽ dự thảo một quy trình phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ cùng với các đoàn thể để làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về VSATTP tương tự như vừa qua chúng ta đã làm với việc rà soát người có công”.

Phó Thủ tướng khẳng định làm tốt việc giáo dục, tuyên truyền VSATTP không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này mà còn khắc phục được bất cập, hạn chế của thực trạng mỗi năm có khoảng 470.000 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra VSATTP nhưng thanh tra chuyên ngành hiện chỉ có 1.300 người. Trong khi đó, Chính phủ mới cho thí điểm thanh tra liên ngành về VSATTP ở 10 quận, huyện của Hà Nội và TPHCM từ ngày 15/11/2015.

“Chúng tôi mong rằng thông qua diễn đàn Quốc hội và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân sẽ ý thức được hơn trách nhiệm của mình trong đảm bảo VSATTP. Đây là cuộc vận động không chỉ liên quan đến thực hiện pháp luật mà liên quan đến đạo đức con người”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nguồn: Đình Nam-chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top