Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, không có nhãn theo quy định; việc sử dụng phụ gia trong sản xuất, chế biến không đúng đối tượng thực phẩm hoặc sử dụng quá hàm lượng quy định. Bên cạnh đó, hoạt động sang bao đóng gói phụ gia thực phẩm chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng kinh doanh phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; người sản xuất, kinh doanh và sử dụng chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ gia thực phẩm không an toàn.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và sử dụng phụ gia thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các ngành chức năng khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng kế hoạch, tổ chức thông tin truyền thông, giáo dục cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phụ gia thực phẩm trên địa bàn quản lý. Ngay trong năm 2014, tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền về những nguy cơ đối với sức khỏe của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm và đặc biệt là các chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng dùng trong rau, củ quả, trong trồng trọt, chăn nuôi không nằm trong danh mục qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nghiêm cấm việc sử dụng các phụ gia, hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá thời hạn sử dụng không có nhãn mác hoặc ghi nhãn không đúng quy định. Phổ biến và yêu cầu các đối tượng sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng dùng trong rau củ quả trên địa bàn tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước thuộc phạm vi quản lý. Nêu rõ những mức xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo qui định của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
2. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở cấp tỉnh/thành phố và cấp quận/huyện để tiến hành thanh tra các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, chế biến, sang bao, đóng gói phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, đặc biệt tập trung vào các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo quản thực phẩm, bảo quản rau, củ, quả, chất điều hòa tăng trưởng. Chú trọng các cơ sở nhỏ lẻ sang bao đóng gói các loại phụ gia và hóa chất nêu trên. Lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các sản phẩm phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng nghi ngờ về chất lượng an toàn hoặc những loại phụ gia, hóa chất được sang bao đóng gói mà không được ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đúng qui định. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát và lấy mẫu rau, củ, quả, đặc biệt đối với rau, củ, quả nhập khẩu trên thị trường để xét nghiệm các hóa chất bảo quản được sử dụng, cảnh báo cho người tiêu dùng những sản phẩm có chứa hóa chất không phù hợp với qui định về an toàn thực phẩm.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị triển khai các nội dung trên và hàng tháng báo cáo về Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm làm đầu mối) để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
VFA
Bình luận