An toàn thực phẩm ngày Tết: Người tiêu dùng không đơn độc!

Ngày đăng: 19/01/2016 - Lượt xem: 11690

Gần 30 câu hỏi về vai trò của các cơ quan chức năng, làm sao để đảm bảo toàn thực phẩm ngày Tết; quyền lợi của người tiêu dùng như thế nào khi gặp phải thực phẩm kém chất lượng... đã được đại diện Cục An toàn thực phẩm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Cảnh sát môi trường giải đáp cặn kẽ trong suốt 2 tiếng diễn ra Giao lưu tại toà soạn báo điện tử dân trí chiều ngày 19/1/2016

 Nhà báo Phạm Huy Hoàn, TBT Báo Điện tử Dân trí tặng hoa các khách mời (Ảnh: Hữu Nghị)

Nhà báo Phạm Huy Hoàn, TBT Báo Điện tử Dân trí tặng hoa các khách mời (Ảnh: Hữu Nghị)

Trịnh Hoài An - Nam 42 tuổi
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Cục An toàn thực phẩm đã và sẽ thực hiện nhiều cuộc thanh kiểm tra. Vậy, trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm sẽ chú trọng kiểm tra những mặt hàng thực phẩm nào và đã có biện pháp gì để hạn chế thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường?
 
ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh An toàn thực phẩm ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội 2016.

Kế hoạch này tập trung vào hai hoạt động chủ yếu, thứ nhất là chiến dịch thanh kiểm tra ATTP tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các mặt hàng thực phẩm có lượng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, rau thịt, giò chả, rượu bia... Đặc biệt sẽ tập trung thanh kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm và các siêu thị.
Hoạt động thứ 2 là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho các đối tượng là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo đó, tại Trung ương sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh thành phố trọng điểm, đồng thời sẽ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập các đoàn thanh kiểm tra việc sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Riêng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc thanh kiểm tra sẽ được kết hợp chặt chẽ với việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện, xã phường. 
Với việc tăng cường thanh kiểm tra như vậy thì các vi phạm về ATTP sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời, đồng thời sẽ công khai rộng rãi tên, địa chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn để người dân biết. 

 

Nguyễn Văn Bách - Nam 44 tuổi
Cho tôi hỏi, khi phát hiện thực phẩm đã mua có dị vật nhưng đã mở ra như sữa chua, giò chả... thì có thể khiếu nại không? Và tôi phải làm gì để bảo đảm tang chứng vật chứng là hợp pháp?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào bạn, trong trường hợp bạn nêu, theo tôi chúng ta vẫn có cách để giải quyết. Ví dụ sữa chua thường chúng ta mua nhiều vỉ, hoặc 1 vỉ, nếu bóc 1 hộp ra phát hiện mốc thì vẫn còn các hộp cùng vỉ, bạn nên giữ hộp đã bóc và các hộp cùng vỉ. Đó là cơ sở để được bảo vệ quyền lợi. 

Về giò chả, nếu đã bóc ra mà phát hiện chất lượng không đảm bảo, có nhiều lý do. Có thể do việc bảo quản của mình không đúng cách. Nếu bạn mới mua về và bảo quản đúng cách mà mở ra vẫn thấy vấn đề về chất lượng thì vẫn có cơ sở để xem xét giải quyết. Bạn có thể kiến nghị cơ quan chức năng để can thiệp, kiểm tra lô giò chả tại nơi sản xuất để có hướng giải quyết.
 
Nguyễn thị Vân - Nữ 59 tuổi
Tôi thấy dịp Tết có rất nhiều đoàn thanh tra thực phẩm nhưng vậy sao những thực phẩm kém an toàn, không nguồn gốc, nhãn mác vẫn bán đầy các chợ? Tôi được biết thanh tra dịp tết được tăng cường. Phải chăng do tình hình thực phẩm bẩn ngày càng nghiêm trọng? Cục An toàn thực phẩm có thể đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho những mặt hàng chỉ tiêu thụ trong dịp Tết để chúng tôi không phải lo lắng khi đi mua sắm không?
 
ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Tết là dịp mà thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trong năm, vì vậy đây cũng là cơ hội để những thực phẩm trôi nổi xuất hiện trên thị trường. Nắm bắt được tình hình đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã tập trung vào các đợt thanh tra kiểm tra nhằm đảm bảo ATTP cho người dân trong dịp Tết. 

Rất nhiều các vụ việc vi phạm về ATTP đã được phát hiện, xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa qua. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn có sự hợp tác của người tiêu dùng và cơ quan thông tấn báo chí trong việc phát hiện những hành vi vi phạm về ATTP để chúng tôi kịp thời xử lý những vi phạm này.

Còn việc lựa chọn thực phẩm trong dịp Tết cũng như trong tiêu dùng hàng ngày, Cục ATTP khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm ở những địa điểm có địa chỉ tin cậy, đảm bảo hợp vệ sinh. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để giảm thiểu những nguy cơ về ATTP.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải lưu ý trong việc bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình. Như là sử dụng và bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh nguy cơ mua được thực phẩm an toàn nhưng lại thành thực phẩm không an toàn do khâu bảo quản, chế biến không đúng cách của người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ Người tiêu dùng (thứ 2 từ phải sang) đã có mặt tại toà soạn (Ảnh: Hữu Nghị)

Trần Khánh Linh - Nữ 20 tuổi
Cháu chào bác Hùng, nghe Hội bảo vệ người tiêu dùng cháu cứ thấy xa xôi như thế nào. Ở Việt Nam mình hội bảo vệ người dân cụ thể ntn ạ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào cháu, cụ thể năm 2015, hội đã giải quyết trên 2.200 khiếu nại của người tiêu dùng. Thủ tục rất đơn giản: Cháu có thể lên mạng, đánh từ khóa Người tiêu dùng sẽ hiện ra trang web của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng việt Nam (vinastas.org). Tại đây sẽ có mẫu đơn khiếu nại dành cho người tiêu dùng. Cháu chỉ cần điền những thông tin theo mẫu và gửi qua mail hoặc đường bưu điện theo các địa chỉ có trên đơn.

Chúng tôi cho đến nay không hề thu bất cứ một khoản tiền nào khi giải quyết khiếu nại. Hội hoàn toàn làm theo tinh thần tự nguyện.

Trong những vụ đã được giải quyết trực tiếp, tỷ lệ thành công là 82%.
 
Trần Hoàng Hải - Nam 28 tuổi
Xin hỏi Đại tá Trần Trọng Bình, thời gian qua, nhất là dịp cận Tết, CS Môi trường đã đột nhập, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm siêu bẩn, rất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng bắt rồi cùng lắm cũng chỉ xử phạt hành chính. Mà bắt vụ này lại có vụ khác. Phía CS môi trường có biện pháp gì để hạn chế tận gốc vấn nạn này? Xin cảm ơn Đại tá.
 
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Trước hết, cần xác định tình hình tội phạm nói chung và tôi phạm môi trường nói riêng hoạt động có tính quy luật, thường tập trung hoạt động vào thời điểm lễ Tết, lễ hội. Đây là loại tội phạm ẩn nên việc phát hiện đấu tranh có xu hướng gia tăng vào thời điểm cuối năm, cũng phù hợp với quy luật hoạt động tội phạm. Tại những thời điểm này, các lực lượng chức năng được tăng cường nên đã phát hiện triệt phá nhiều tổ chức đường dây, ổ nhóm sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng những nỗ lực cố gắng của cơ quan chức năng còn chưa tương xứng với tình hình tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm đang diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nhưng mức độ răn đe chưa cao do những bất cập về chính sách pháp luật, trong đó chế tài xử lý về mặt hình sự đối với các loại tôi phạm này còn hạn chế. Đồng thời, một bộ phận tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm chạy theo những mối lợi bất chính, bất chấp quy định pháp luật và đạo đức kinh doanh đã sản xuất và kinh doanh những sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ công chức chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp còn có những bất cập nên hiệu quả về quản lý nhà nước trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật chưa được phát huy.

Để giải quyết những vấn đề đó, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp công tác sau:

-         Một là, tham mưu cho các ngành, các cấp để hoàn thành và thực thi các quy định pháp luật có hiệu quả, đi vào thực tế, trước mắt thực hiện luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật tổ chức điều tra hình sự, luật tạm giam tạm giữ năm 2015 và pháp lệnh cảnh sát môi trường.

-         Hai là, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý hành chính với các vi phạm về an toàn thực phẩm

-         Ba là, đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, phát hiện đấu tranh mạnh mẽ với các đường dây, ổ nhóm, đối tượng chuyên nghiệp, nhập khẩu, sản xuất, tiêu thụ các thực phẩm không an toàn, phối hợp với các cơ quan nội chính điều tra xử lý nghiêm trước pháp luật tạo sức răn đe với các loại tội phạm này.

-        Bốn là, tham mưu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; làm tốt công tác phát động quần chúng tham gia vào phong trào phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm. Tập trung giải quyết những điểm nóng địa bàn trọng điểm liên quan đến vấn đề về an toàn thực phẩm, ngăn chặn và đẩy lùi những loại tội phạm nghiêm trọng gây bức xức lo lắng trong cộng đồng.

-         Năm là, làm tốt công tác xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng trong lực lượng cảnh sát môi trường, nâng cao năng lực trình độ mọi mặt, giữ vững kỷ luật và phẩm chất đạo đức; đầu tư các nguồn lực đủ sức cho lực lượng cảnh sát môi trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Nguyễn Mạnh Hưng - Nam 47 tuổi
Cứ mở báo là có tin phát hiện thực phẩm bẩn. Vậy tôi xin hỏi phải chăng là do ít bị kiểm tra hay chế tài chưa nghiêm nên các cá nhân, doanh nghiệp không sợ? Vậy các cơ quan chức năng có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

 

ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Trong thời gian vừa qua chúng ta nhận được nhiều thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm ATTP. Đó là do sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý trong việc phát hiện các vi phạm này. 

Hiện nay chế tài xử lý các vi phạm về ATTP đã tương đối đầy đủ, với mức xử phạt đủ răn đe, cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm ATTP của cá nhân là 100 triệu đồng, với tổ chức là 200 triệu đồng. 

Ngoài ra, theo Luật ATTP, nếu mức xử phạt chưa đủ mức răn đe thì có thể áp dụng mức phạt cao nhất không quá 7 lần giá trị của thực phẩm vi phạm. Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, tùy vào từng trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các hình phạt bổ sung, như rút giấy phép, thu hồi, tiêu hủy các thực phẩm vi phạm và sẽ công khai rộng rãi tên và địa chỉ của cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm có vi phạm. Thậm chí các vi phạm về ATTP có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì có thể bị xử lý hình sự.

Với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan thông tin báo chí trong thời gian vừa qua, rất nhiều vụ việc vi phạm ATTP đã được thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng. 

Bên cạnh việc thông tin truyền thông các quy định của pháp luật về ATTP cho người sản xuất kinh doanh thực phẩm để họ hiểu và thực hành đúng các quy định, thì cơ quan chức năng cũng liên tục tăng cường thanh kiểm tra để giám sát việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm. 

Trong thời gian tới, Chính Phủ dự kiến sẽ có chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP và giám sát việc sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy, Cục ATTP rất mong muốn nhận được sự cộng tác chặt chẽ của các Tổ chức hiệp hội, người tiêu dùng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về ATTP.

 

Thu Nga - Nữ 31 tuổi
Mới đây, tôi từng mua phải tôm bơm tạp chất trong siêu thị nhưng phía siêu thị khẳng định không có chuyện đó. Tôi có thể gọi điện lên Cục An toàn thực phẩm để phản ánh vấn đề này không?

 

ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Xin cám ơn chia sẻ của bạn. Khi bạn mua phải bất kỳ thực phẩm nào mà có nghi ngờ về chất lượng và an toàn, bạn có thể gọi điện thông báo đến Cục An toàn thực phẩm, hoặc các cơ quan quản lý ATTP của 3 Bộ gồm Y tế, Nông nghiệp và Công thương tại địa phương nơi gần nhất. 

Ngoài ra, bạn có thể phản ánh đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong trường hợp cụ thể của bạn, mua phải tôm bơm tạp chất, bạn có thể liên hệ với đến cơ quan trực tiếp mặt hàng này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phản ánh về vụ việc.

 

Tạ Thanh An - Nữ 29 tuổi
Vừa rồi, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói người dùng thực phẩm bẩn "lăn" ra chết thì mới xử lý được. Người dân chúng tôi nghe Bộ trưởng nói mà hoang mang quá. Sao ta không bắt nhốt hay xử phạt thật mạnh những người buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, sai không làm mạnh tay như các nước mà để thực phẩm bẩn tràn lan, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe NTD và giống nòi. Pháp luật của ta sao quá nhẹ tay với loại tội phạm này để bọn chúng ngày càng lộng hành. Vậy tôi đề xuất nên bắt giam ngay những người buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn được kg? Xin cảm ơn.

 

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Luật hình sự hiện hành quy định tại điều 244 về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có quy định yếu tố cấu thành của loại tội phạm này là phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là phải gây ra chết người hoặc ngộ độc hàng loạt thì đối tượng vi phạm về an toàn thực phẩm mới bị xử lý về mặt hình sự.

Để khắc phục bất cập này, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm về an toàn thực phẩm, Luật hình sự bổ sung sửa đổi năm 2015 đã điều chỉnh và quy định hành vi đưa các chất cấm vào thực phẩm, chưa cần gây hậu quả nghiêm trọng thì đã cấu thành tội phạm và bị xử lý về mặt hình sự. Đây một bước tiến lớn về mặt pháp lý, thể hiện quyết tâm của Đảng, nhà nước trong đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

 

Đặng Tuyết Nhung - Nữ 67 tuổi
Tôi không thích mua thịt trong siêu thị vì không tươi nhưng cứ mua thịt ngoài chợ thì tôi lại e ngại là không bảo đảm và không biết cách lựa chọn như thế nào? Các chuyên gia có thể tư vấn khi chọn các loại thịt thì người nội trợ nên chú ý quan sát những đặc điểm gì để tránh mua phải thịt của gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chăn nuôi bằng thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc?

 

ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Trước tiên tôi xin chia sẻ với những băn khoăn của bác trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Để mua được thực phẩm an toàn, trước tiên bác nên lựa chọn mua ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng. 

Một số điểm giúp bác lựa chọn các loại thịt như sau:
Với thịt bò phải có màu đỏ tươi; thịt lợn phần nạc có màu hồng, còn mỡ thì màu trắng; thịt gà thì da phải có màu trắng ngà hoặc hơi vàng nhạt. Bề mặt thịt nói chung phải cứng và có độ đàn hồi, tức là khi ấn ngón tay vào sẽ không để lại vết lõm lâu trên bề mặt thịt. Các loại thịt thì phải không có mùi lạ. Không nên chọn các loại thịt có đặc điểm sau:
Thịt lợn bệnh thường có mỡ vàng, thớ thịt nhão hoặc trong thớ thịt có những đốm trắng như hạt gạo; khi ấn ngón tay lên miếng thịt thì để lại vết lõm lâu; bên ngoài mặt có hiện tượng nhớt, có mùi khó chịu hoặc da có vết bầm. 
Thịt trong siêu thị là thịt được bảo quản ở chế độ lạnh hoặc lạnh đông theo đúng các nguyên tắc về bảo quản an toàn thực phẩm. Vì vậy thời gian để bảo quản thịt có thể được kéo dài hơn. 

 

Nguyễn Hoàng Linh - Nữ 30 tuổi
Tôi xin hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng, qua vài vụ việc báo chí đăng tải gần đây, tôi có cảm giác người tiêu dùng thấp cổ bé họng không thể địch lại được doanh nghiệp nhiều tiền. Thế nên mới có vụ như vụ chai nước có ruồi liên quan công ty Tân Hiệp Phát. Chúng tôi đang rất mất niềm tin vào an toàn thực phẩm nhưng hầu như ko có bằng chứng. Đến khi có vụ việc được phát hiện lại không biết nên báo cho ai để được giải quyết thỏa đáng?

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào bạn, tôi đồng tình với bạn là người tiêu dùng ở thế yếu nhưng tôi muốn nói thêm rằng, người tiêu dùng chỉ ở thế yếu khi đơn độc. Còn khi đã là 1 cộng đồng người tiêu dùng thì lại rất mạnh. Có thể đặt 1 doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản nếu người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp đó. Trên thực tế ở Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên chúng ta phải có niềm tin vào chính mình. Tôi muốn dẫn chứng cho bạn 1 ví dụ. Ở Bến Tre xảy ra 1 vụ ngộ độc bánh mì kẹp thịt, 190 người phải nhập viện. Khi người tiêu dùng khiếu nại đến Hội, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Bến Tre tổ chức hòa giải nhưng rất tiếc phía bị đơn không đến. Buộc Hội phải tư vấn giúp đỡ người tiêu dùng khởi kiện vụ việc ra tòa. 

Trong số người viết đơn khiếu nại có 19 đơn khiếu nại hợp lệ, trong đó tòa xử sơ thẩm 2 đơn, còn lại gộp chung 1 vụ để tổ chức hòa giải. Phiên sơ thẩm, người tiêu dùng thua kiện. Sau 2 năm theo đuổi, người tiêu dùng đã thắng kiện ở phiên phúc thẩm. 17 người còn lại cũng được hòa giải thành. Tuy số tiền bồi thường không lớn nhưng nó thể hiện công lý đã được thực thi. 

Về vụ bạn nhắc đến ở trên, thì theo luật Bảo vệ người tiêu dùng, "Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.". Như vậy trong trường hợp này đó là người kinh doanh chứ không phải người tiêu dùng nên không thuộc chức năng giải quyết của Hội.

Như bạn biết đấy, nguyên tắc của luật pháp là người dân có thể làm bất cứ việc gì mà luật pháp không cấm. Cơ quan, tổ chức chỉ được phép làm những gì mà luật pháp cho phép.

 

Lê Thúy Hà - Nữ 38 tuổi
Bản thân tôi giờ ra chợ nhìn thứ gì cũng sợ, nhiều lúc không biết ăn gì vì thứ gì cũng độc hại. Là người từng tham gia phanh phui nhiều vụ thực phẩm bẩn, ông có bị ám ảnh khi đi ăn hàng hay trong bữa ăn gia đình không? Cảm ơn ông.

 

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Cũng như những người tiêu dùng, tôi hoàn toàn chia sẻ những băn khoăn lo lắng của bạn. Quá trình đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, các loại thực phẩm bẩn thường được tuồn vào những khu vực chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó phải kể đến những nhà hàng, quán ăn, những nơi cung cấp thực phẩm không chính thống, không được đăng ký tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được đăng ký quản lý theo quy định của nhà nước.

Bà Trần Việt Nga khẳng định để mua được thực phẩm an toàn, trước tiên người tiêu dùng nên lựa chọn mua ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng.

 

Trần Minh Hiếu - Nam 39 tuổi
Ngộ độc do rượu có methanol năm nào cũng có. Tôi có câu hỏi với bà Trần Việt Nga: có cách nào giúp người dân chúng tôi không mua phải loại rượu độc hại này?
 
ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Uống rượu là một trong những nét văn hóa của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, nên sử dụng rượu bia ở chừng mực nhất định, không nên lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trật tự an ninh xã hội.
Về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.
Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Còn một cách khác có thể áp dụng khá chính xác là có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.

 

Lê Uyên Phương - Nữ 37 tuổi
Trưa 16/1, tôi mua phải bánh gối mốc dù ngày sản xuất ghi rõ là 16/1. Cửa hàng A. H giải thích rằng đó là do bánh bị hấp hơi do còn nóng mà vẫn cho vào túi nilon. Cách giải thích này thực sự không thuyết phục. Vậy tôi phải làm gì khi gặp trường hợp tương tự để bảo đảm quyền lợi của mình?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào bạn, một trong những nhiệm vụ của người kinh doanh là phải hướng dẫn người tiêu dùng cách bảo quản sản phẩm. Khi sự việc đã xảy ra, người kinh doanh cũng phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Tôi đồng tình với bạn là lời giải thích phải có sức thuyết phuc, và tôi nói thêm là phải trên cơ sở luật pháp. 

Như bạn đã biết, vẫn có trường hợp gian lận sửa lại hạn sử dụng của sản phẩm, kể cả với những sản phẩm hạn sử dụng được in dập công phu, nên khi mua chúng ta phải lưu ý.

Trong trường hợp của bạn, bạn có thể liên hệ Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở nơi gần nhất sẽ nhận được tư vấn, giúp đỡ.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, khẳng định sẽ thực hiện 5 giải pháp đồng bộ để hạn chế tội phạm môi trường

 

Tạ Thanh An - Nữ 29 tuổi
Vừa rồi, CSGT tỉnh Quảng Nam và QLTT cùng một số các tỉnh bắt được rất nhiều xe khách, xe tải chở thực phầm bẩn để phục vụ trong những ngày gần Tết này. Tuy nhiên, việc xử lý còn quá nhẹ làm cho người buôn bán, sản xuất chư sợ pháp luật. Vậy cơ quan chức năng có cách nào xử lý mạnh tay hơn nữa để bảo vệ sức khỏe người dân không?

 

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Như chúng ta đã biết thực phẩm không an toàn chủ yếu đến từ 2 nguồn chính: nhập khẩu trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam (chủ yếu qua các đường tiểu ngạch biên giới) và sản xuất chế biến trái phép không đảm bảo về an toàn thực phẩm ngay trong nội địa.

Những thực phẩm này thường được tập kết vận chuyển tiêu thụ rất tinh vi xảo quyệt, trên nhiều tuyến cùng chặng đường ở nhiều địa bàn, cả đô thị và nông thôn. Do đó, các đối tượng thường che giấu, ngụy trang trên các phương tiện vận chuyển công cộng như: ô tô, tàu hỏa, máy bay, tàu thủy… Do tính chất hoạt động như trên, liên quan đến nhiều lĩnh vực địa bàn và thẩm quyền xử lý nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong tuần tra kiểm soát, điều tra trinh sát mới có thể phát hiện đấu tranh và xử lý có hiệu quả.

 

Khổng Thu Trang - Nữ 33 tuổi
Tôi thường xuyên mua rau trong siêu thị vì tin tưởng được kiểm tra chất lượng.Vậy mà lâu lâu lại có thông tin đơn vị cung cấp rau sạch “gian dối”. Tôi xin hỏi là Cục An toàn có trách nhiệm gì trong những vụ việc như thế này?

 

ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:

Trước hết phải khẳng định tất cả các hành vi gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vi phạm pháp luật. Khi người tiêu dùng phát hiện các hành vi gian dối thì cần phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Đối với Cục An toàn thực phẩm, khi nhận được thông tin phản ánh các hành vi có dấu hiệu gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc theo thẩm quyền và thông tin kịp thời đến người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực quản lý về rau củ quả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian vừa qua đã triển khai hàng loạt các giải pháp để kiểm soát rau quả và các sản phẩm từ rau quả. Cụ thể, như giám sát chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, tiến hành kiểm tra và phân loại các cơ sở chế biến thực phẩm để có các giải pháp phù hợp.

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin về một trường mầm non ở quận Tây Hồ nhập rau không rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục An toàn thực phẩm với trách nhiệm là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh ATTP, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xác minh vụ việc, nếu phát hiện đúng như vậy cần sử phạt theo khung phạt cao nhất. Bởi đây là hành vi gian dối vừa có thể có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, vừa gây tác động dư luận rất xấu nên cần xử lý nghiêm.

Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo không vì sự việc như vậy mà đánh giá toàn thể bức tranh về rau thịt của Hà Nội. Bởi theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì 95% thực phẩm tiêu thụ trên thị trường là an toàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, TKT Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ Người tiêu dùng, cho biết năm 2015 Hội đã giải quyết trên 2.200 khiếu nại với tỉ lệ thành công lên tới 82%

Lý thị Minh - Nữ 56 tuổi
Xin hỏi, với thực phẩm mua tại chợ, người tiêu dùng khi bị ngộ độc thực phẩm có thể khiếu nại không vì không có hoá đơn? Xin cảm ơn ông Hùng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào chị, hóa đơn chỉ là 1 trong những bằng chứng giao dịch mà phía người bán phải chủ động cung cấp cho người mua. Luật không quy định phải có hóa đơn mới là người tiêu dùng. Vấn đề ở chỗ chị chứng minh được việc mua của chị của ai và sản phẩm đó không an toàn. Để chứng minh việc này tôi nghĩ có nhiều cách, ví dụ có người làm chứng, bạn mua vào thời điểm nào,... Nếu làm kịp thời, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, kiểm tra số hàng còn lại vẫn còn ở nơi bán hàng, để từ đó đưa ra kết luận. 

Trở lại vụ bánh mì ở Bến Tre, chính cơ quan chức năng đã kiểm tra và kết luận bánh mì kẹp thịt là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

 

Nguyễn Đức Tuấn - Nam 35 tuổi
Cháu là người bán hàng tổng hợp. Thỉnh thoảng cháu cũng gặp những sản phẩm có lỗi. Vậy cháu muốn hỏi bác Hùng, Hội bảo vệ người tiêu dùng có tiếp nhận đơn của người bán hàng như cháu không ạ?

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Trong trường hợp của cháu, Hội không có thẩm quyền giải quyết. Cháu có thể giải quyết sự việc qua con đường trọng tài. Nếu sự việc lớn thì có thể qua đường tòa án. 

 

Nguyễn Thị Dung - Nữ 39 tuổi
Tôi luôn nghe câu “Hãy là người tiêu dùng thông minh”, cứ như thể cơ quan chức năng chẳng làm gì được cho dân vậy. Vậy ý kiến của Cục về vấn đề này như thế nào?
 
ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Để có thực phẩm đảm bảo an toàn thì tất cả các công đoạn trong chuỗi cung cấp thực phẩm từ nuôi trồng đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông và tiêu dùng phải được đảm bảo an toàn. Vì vậy, từ người sản xuất kinh doanh đến người tiêu thụ và cơ quan quản lý đều có trách nhiệm nhất định đối với công tác đảm bảo ATTP. Người sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Người tiêu dùng thì phải lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách để đảm bảo an toàn. Còn các cơ quan quản lý phải đưa ra những quy định tiêu chuẩn đảm bảo ATTP để người sản xuất và kinh doanh áp dụng, đồng thời cơ quan quản lý cũng phải tổ chức kiểm tra giám sát việc áp dụng quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn. Vì vậy, an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Bất kỳ một khâu nào không đảm bảo sẽ dẫn đến thực phẩm không an toàn.

Cục An toàn thực phẩm luôn kêu gọi, mong muốn người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng cùng chung tay với các cơ quan quản lý trong công tác đảm bảo ATTP.

 

Tạ Thị Hải - Nữ 45 tuổi
Tôi thấy nhiều vụ bắt thực phẩm bẩn đều do báo chí hoặc người dân phát hiện trước. XIn hỏi Đại tá Bình, CS Môi trường tự theo dõi, phát hiện và xử lý được bao nhiêu phần trăm vụ việc?
 
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Lực lượng cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách được giao và chủ yếu bằng các biện pháp công tác nghiệp vụ để phát hiện tổ chức công tác đấu tranh với tội phạm và các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Như tôi đã trình bày ở trên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cần phải có sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. 

Chúng tôi luôn luôn trân trọng và mong được sự giúp đỡ cộng tác của người dân trong phát hiện tố giác và tham gia giúp lực lượng công an và các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe người dân.

 

Hồng Hà - Nữ 41 tuổi
Nếu muốn khiến nại một trường hợp cụ thể, chúng tôi phải làm gì để bảo đảm về mặt pháp lý cũng như quyền lợi của mình?

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào bạn, Hội cũng chỉ là 1 kênh mà người tiêu dùng có thể "gõ cửa". Bảo vệ người tiêu dùng còn có các cơ quan chức năng của nhà nước, ở Trung ương là Cục Quản lý cạnh tranh (tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800 6838, miễn phí); ở các tỉnh, thành có các Sở Công Thương; ở cấp quận huyện cũng có bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, thuộc phòng nào là tùy theo sự phân công mỗi địa phương.

Ngoài ra người tiêu dùng có thể trực tiếp liên hệ với nơi cung ứng hàng hóa cho mình để thương lượng, hoặc thông qua trọng tài Thương mại, hoặc Tòa án dân sự. 

 

Dương Đức Long - Nam 49 tuổi
Tôi có băn khoăn gửi đại tá Trần Trọng Bình: CP49 đã phá được bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn trong năm 2015? Ông có nhận định gì về thủ đoạn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn? Những cơ sở này đã bị xử phạt ra sao? có đủ sức răn đe không? bởi tôi thấy hình như càng bắt, càng phát hiện thì càng nhiều người lao vào làm ăn bất lương kiểu này.
 
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Theo số liệu thống kê, năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện đấu tranh 3.365 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính trên 2.400 vụ với số tiền gần 17 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 2 tháng cuối năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 428 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 341 vụ với số tiền là 2,5 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra khởi tố là 3 vụ, 4 đối tượng.

Như phần trên, tôi đã phân tích về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm vi phạm về an toàn thực phẩm. Cùng với yếu tố quy luật gia tăng của các loại tội phạm, thì đây còn là loại tội phạm “ẩn” có đặc thù là khi các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh quyết liệt thì mới phát hiện làm rõ được các tổ chức, cá nhân vốn đã vi phạm trong kinh doanh thực phẩm được hoạt động, tồn tại từ trước. Vì vậy, cũng không thể đánh giá là càng đấu tranh, phát hiện nhiều vụ thì các đối tượng càng hoạt động mạnh hơn.

quốc nam - Nam 29 tuổi
Khi vào nhà hàng, quán ăn nếu gặp phải những những sản phẩm đóng gói, những chiếc bánh đã mốc thì có khiếu nại được không? Bởi khi đã bóc thì phải trả tiền chứ còn kiện sao được nữa?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Theo tôi nghĩ trường hợp này hoàn toàn có thể khiếu nại với cửa hàng được vì bóc tại nơi bán hàng (người thực việc thực). 
 
Bùi Linh - Nam 40 tuổi
Vừa qua thông tin đại chúng đưa tin về vụ tuồn thực phẩm bẩn vào các trường học, tôi có hai con nhỏ đang học mẫu giáo tôi không biết Cục an toàn thực phẩm đã làm việc với sở giáo dục và đào tạo như thế nào để bảo về tương lai của đất nước?hay phát hiện rồi phạt hành chính vài triệu rồi lại thôi, tôi nghĩ những con người làm trong ngành giáo dục mà còn làm như vậy thì thật là vô nhân đạo, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự
 
ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Điều này đã được quy định tại Luật ATTP. Các bếp ăn trong trường học phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó nguồn nguyên liệu đầu vào phải được giám sát chặt chẽ.

Ở vụ việc này, trường đã có ký hợp đồng với cơ sở cung cấp đã được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn, nhưng đây là một hành vi "treo đầu dê bán thịt chó" của nhà cung cấp. Vì vậy cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm của nhà cung cấp này. 

Với trách nhiệm là thường trực ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ngay lập tức có văn bản yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Chúng tôi cũng luôn khuyến cáo các trường, bên cạnh việc giám sát của các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với ban phụ huynh trong việc giám sát nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà trường để hạn chế tối đa nguy cơ về nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn.
 
hanv - Nữ 34 tuổi
Xin hỏi cách tìm ra thực phẩm có hàn the? Xin cảm ơn
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Hàn the trước đây được đưa vào chế biến các món ăn như giò chả để tạo độ giòn, nhưng từ khi khoa học phát hiện ra đây là chất độc hại nên đã cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và đã có chất thay thế hàn the nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Người tiêu dùng chắc chắn đã có trải nghiệm là ăn sản phẩm có hàn the thì có độ giòn hơn. Theo tôi, tốt nhất nên mua sản phẩm ở nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để khi có sự cố, cơ quan chức năng dễ truy xuất nguồn gốc, từ đó quy trách nhiệm cho người bán hàng. 

Còn để phân biệt bằng cảm quan, ngay cả khi phát hiện ra, sản phẩm đã sử dụng rồi thì việc đổi lại cũng rất khó; sản phẩm không có nguồn gốc càng khó quy trách nhiệm.

 
Tuấn Dũng - Nam 30 tuổi
Trong vụ chai nước có ruồi, anh Minh đã phải nhận án tù 7 năm. Vậy xin Hội bảo vệ người tiêu dùng bày cho chúng tôi những cách thức khác nhau để buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm có lỗi mà người tiêu dùng như chúng tôi tránh được vòng lao lý

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Theo tôi, người tiêu dùng phải tìm hiểu để nắm vững về luật pháp, trong đó có luật bảo vệ người tiêu dùng và luật dân sự, luật hình sự. Hành vi gây sức ép để tống tiền khác với hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.  

Người tiêu dùng khi phát hiện các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, muốn thỏa thuận đền bù với doanh nghiệp nên lập thành văn bản để thể hiện đây là 1 thỏa thuận dân sự chứ không phải là hành vi tống tiền. 

Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu thiện chí dẫn đến thương lượng không thành công, có thể khiếu nại đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng, để nhận được sự tư vấn giúp đỡ. Nếu quá khả năng giải quyết của Hội, Hội sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết hoặc Hội sẽ tư vấn cho người tiêu dùng đưa vụ việc ra Tòa dân sự.
 
Hoàng Văn Tuyến - Nam 63 tuổi
Có đại biểu quốc hội nói “chưa bao giờ bữa ăn gần nghĩa địa như bây giờ”. Ông Bình có nhận định gì về điều này không?
 
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Thực tế, trong thời gian gần đây, hoạt động về tội phạm và vi phạm trong an toàn thực phẩm có diễn biễn phức tạp và rất đáng chú ý. Trong trồng trọt, chăn nuôi, có một bộ phận đối tượng đã sử dụng chất cấm để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi đối với gia súc, gia cầm; sử dụng các chất cấm để bảo quản nông sản; sử dụng các phụ gia không được phép đưa vào thực phẩm; tái chế các thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bị hư hỏng, ôi thiu…

Việc sử dụng các loại thực phẩm có phụ gia hóa chất cấm gây tác hại trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe, tính mạng của con người; ảnh hưởng đến phát triển nòi giống; tác động tiêu cực đến chính sách về an sinh xã hội; đầu tư phát triển kinh tế. Đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để tập trung giải quyết tình trạng này.

Hoàng Minh - Nam 26 tuổi
Cháu thích đồ nhập khẩu nhưng lại sợ mua phải loại bị sửa date. Vậy làm cách nào để cháu biết thực phẩm đó là an toàn, không bị sửa date?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Việc sửa lại date không chỉ xảy ra với riêng hàng nhập khẩu mà kể cả với hàng trong nước. Hiện nay việc sửa date rất tinh vi, có cả công cụ phun kim để phun lại date. Vì vậy, theo tôi dù bạn mua hàng nhập khẩu hay hàng trong nước, bạn nên mua ở những địa chỉ đáng tin cậy. Rất cân nhắc trong việc mua hàng xách tay hay những điểm bán không có địa chỉ rõ ràng. Bởi khi xảy ra sự cố, không có cơ sở để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên tôi cũng phải nói thêm, ngay cả tại siêu thị, nơi lâu nay người tiêu dùng coi là địa chỉ đáng tin cậy, vẫn có chuyện rau gắn nhãn rau an toàn nhưng thực chất là rau mua trôi nổi ngoài chợ. Cho nên, việc xem xét kỹ hàng hóa trước khi mua không chỉ là việc làm cần thiết mà còn là nghĩa vụ của người tiêu dùng, theo luật Bảo vệ người tiêu dùng.
 
Bùi Linh -Nam 40 tuổi
Thưa Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, sau rồi vụ nước ngọt đóng chai của công ty tân hiệp phát, người dân đã phát hiện có vẩn đục và đóng váng, dân cũng đã gửi các mẫu chai đó sang các cơ quan ban ngành, vậy hội bảo vệ người tiêu dùng đã xử lý thế nào? cám ơn ông
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Nếu bạn đã gửi các mẫu đi giám định mà đến nay vẫn không nhận được câu trả lời, thì có thể gửi phản ánh bằng văn bản đến Hội để từ đó Hội có công văn chính thức gửi đến nơi bạn đã gửi mẫu đến, đôn đốc việc xem xét, hồi âm.
 
Nguyễn Đức Tuấn - Nam 35 tuổi
Nếu tôi bị ngộ độc khi đi ăn ở nhà hàng, quán ăn... thì tôi có thể khiếu nại lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng không? Đã có trường hợp nào khiếu nại thành công chưa? Xin cảm ơn ông
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Chào bạn, trong trường hợp bạn nêu, hoàn toàn có thể khiếu nại đến Hội. Trường hợp này tương tự như trường hợp vụ bánh mì ở Bến Tre mà tôi đã nêu ở câu trả lời trên.
 
Hoàng Văn Bách - Nam 27 tuổi
Khái niệm rau an toàn và rau sạch hiện nay bị nhầm lẫn, ra ngoài chợ tôi thấy ai cũng nói rau này là rau sạch (vì không phun thuốc gì hêt) nhưng chất lượng đến đâu thì chả có gì đảm bảo cả. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không kiểm soát những sản phẩm này? có bao giờ lấy mẫu để phân tích hay kiểm tra test chưa?
 
ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Thực ra không có khái niệm rau sạch mà chỉ có rau an toàn. Rau an toàn là các sản phẩm được trồng, kiểm soát theo các quy trình đảm bảo an toàn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành, ví dụ như loại thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng; liều lượng dùng; thời gian cách ly (thời gian từ lúc phun thuốc đến lúc thu hái) phải đảm bảo theo đúng quy định.

Việc áp dụng các quy trình đảm bảo an toàn hiện nay, như Vietgap thì đều được giám sát và chứng nhận bởi các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các cơ sở nào tuân thủ theo đúng các quy định trên thì sẽ được cơ quan này cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Vì vậy người tiêu dùng khi mua rau cần lưu ý xem cơ sở đó đã có giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn của cơ quan chức năng hay chưa.

Ngoài việc kiểm soát theo quy trình như vậy thì các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp và ngành y tế luôn có chương trình giám sát thực phẩm trên thị trường, bao gồm cả việc lấy mẫu rau để phân tích các chỉ tiêu an toàn. Theo số liệu mới nhất của ngành nông nghiệp, năm 2015 tỷ lệ rau trên thị trường không đảm bảo an toàn ở mức 5%. Tỷ lệ này tuy còn cao so với các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu nhưng ở mức tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan. 
 
Thu An - Nữ 41 tuổi
Những quy định hiện tại có đảm bảo để Hội có thể sát cánh với người tiêu dùng đi đến cùng sự việc không?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:
Về mặt luật pháp cho phép Hội có thể đi đến cùng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm được việc đó Hội còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết đó là vấn đề kinh phí, Hội phải tự lo liệu, ngân sách không hề cấp cho hội hoạt động; Hội cũng không thu từ người tiêu dùng. 

Như bạn biết đấy, Hội có thể thay mặt người tiêu dùng để khởi kiện, nhưng chi phí cho 1 vụ kiện thì từ nguồn nào? Hội không có nguồn. Khi đưa 1 vụ ra tòa, có thể thắng, có thể thua kiện. Nếu thắng kiện, người tiêu dùng được bồi thường hoặc nếu không xác định được địa chỉ người tiêu dùng thì nộp vào ngân sách. Trong khi đó, nếu thua kiện, Hội lấy nguồn tiền nào để chi? 

Trong khi đó, phía bị đơn có thể là 1 doanh nghiệp, về tài chính họ rất mạnh, họ sẵn sàng thuê các luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong khi về phía Hội việc này là bất khả thi.
 
Tô Huyền Anh - Nữ 29 tuổi
Tôi theo dõi báo chí thấy các vụ vi phạm an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng con người thường được đưa tin rất rầm rộ nhưng đến xử phạt hình như còn quá nhẹ, chủ yếu là phạt tiền thậm chí chìm nghỉm luôn. Điều này có đúng không?
 
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an:

Những khó khăn trong việc đấu tranh xử lý với loại tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm đã được tôi trình bày ở phần trên. Trong thời gian tới, Luật hình sự bổ sung sửa đổi năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 cùng với các giải pháp của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm và sự nỗ lực chung của toàn xã hội, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tạo nên sự chuyển biến tích cực, thiết lập được trật tự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

 

Hà Văn Thể - Nam 46 tuổi
Hằng năm cứ vào dịp Tết nguyên đán tôi thường vào siêu thị mua một số đùi gà Mỹ...về bảo quản ở tủ lạnh để ăn tết,những thực phẩm bán ở trong siêu thị có thực sự là thực phẩm sạch không.

 

ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Đối với các sản phẩm nhập khẩu, ngoài việc được các nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn, khi vào Việt Nam các sản phẩm này đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp công bố sản phẩm phù hợp với quy định  ATTP của Việt Nam mới được phép nhập khẩu.

Các sản phẩm nhập khẩu khi được bán trong siêu thị về nguyên tắc phải được các siêu thị kiểm soát chặt trước khi đưa vào bày bán. Trong quá trình này, cơ quan chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra. Siêu thị cũng thường xuyên giám sát về điều kiện bảo quản và thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Vì thế, cơ bản sản phẩm bán trong siêu thị đều được kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo các điều kiện về bảo quản ATTP.
 
 
Phạm Chiến - Nam 63 tuổi
Mua thịt chợ về ăn bị lây bệnh thì khiếu nại đến ai? Ai đền bù chi phí chữa bệnh vì thịt có dấu xanh của cơ quan thú y rồi?

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn-Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS:

Về nguyên tắc, người tiêu dùng có quyền được bồi thường nếu sử dụng thực phẩm không an toàn. Vấn đề ở trong tay bạn, miễn là bạn chứng minh được việc ăn thịt có dấu kiểm dịch nhưng vẫn bị lây bệnh. Trong trường hợp cụ thể, trách nhiệm thuộc về ai, đến đâu, pháp luật đều đã có quy định cả. Ví dụ vụ việc nghiêm trọng phải đưa ra tòa, qua hoạt động điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan như người kinh doanh, cơ quan thú y,... 

Nguồn: Dantri.com.vn

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top