Bảo đảm VSATTP: Không vì lợi mình mà hại người

Ngày đăng: 28/05/2018 - Lượt xem: 2394

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là việc rất lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Chúng ta không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước mà còn phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng tới từng người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP nhấn mạnh như vậy trong lễ phát động Chương trình “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng”, tổ chức sáng 26/5, với sự tham dự của lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các bộ ngành và đông đảo các hội viên, người dân, doanh nghiệp…

Theo Phó Thủ tướng, dù còn nhiều bất cập, phải nỗ lực hơn nữa song trong 2 năm gần đây sự phối hợp giữa Chính phủ, các bộ ngành, địa phương với các đoàn thể xã hội được triển khai mạnh mẽ, đem lại những kết quả, tiến bộ rất rõ nét, tích cực trong bảo đảm VSATTP.

“Chính phủ luôn luôn coi trọng và rất trông đợi vào sự phối hợp rất chặt chẽ của các đoàn thể bởi vì công tác VSATTP là việc rất lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Không chỉ là tăng cường năng lực quản lý nhà nước mà còn phải làm thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng tới từng người dân”, Phó Thủ tướng nói và tóm lược một số điểm mấu chốt.

Trước hết phải làm cho toàn xã hội nhận thức được thật sâu sắc, đầy đủ việc sử dụng thực phẩm không an toàn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và lâu dài hơn là ảnh hưởng tới giống nòi. Mọi người dân, người sản xuất, doanh nghiệp cần nhận thức trách nhiệm pháp luật đối với việc không bảo đảm VSATTP là gián tiếp, thậm chí có nhiều trường hợp là trực tiếp, xâm phạm sức khỏe của người khác. Quan trọng nữa là trách nhiệm về đạo đức, lương tâm không thể vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả để sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn, ‘lợi mình, hại người’.

Có nhận thức thì người tiêu dùng phải được giúp đỡ để phân biệt được thực phẩm bẩn, không an toàn, với thực phẩm sạch dựa trên các bằng chứng khoa học như qua xét nghiệm, mã truy xuất nguồn gốc… Còn người sản xuất được hướng dẫn cách nuôi, trồng, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, tạo điều kiện phát triển các mô hình sản xuất như Viet GAP, chuỗi phân phối thực phẩm sạch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đưa tiêu chí bảo đảm VSATTP vào các phong trào thi đua như: Gia đình văn hoá, Nông thôn mới, thi đua giữa các hội, đoàn thể ở nông thôn… “Không thể có tình trạng nói gia đình văn hóa mà lại làm thực phẩm bẩn, rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Điểm cuối cùng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bên cạnh vận động, tuyên truyền ý thức, cách làm bảo đảm VSATTP phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm các vụ vi phạm theo pháp luật. “Không thể vì lợi ích của riêng mình mà làm hại cho người khác, làm hại cho xã hội”.

Dù còn nhiều bất cập phải nỗ lực hơn nữa nhưng trong 2 năm gần đây công tác bảo đảm VSATTP đạt được những kết quả, tiến bộ tích cực. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chương trình “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng” giai đoạn 2017-2020 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản, thực phẩm không an toàn, sớm xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán

Đồng thời thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm ATTP, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn theo chuỗi.

Trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như: Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm. Liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn giữa cơ sở sản xuất ban đầu với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh. Chương trình cũng thực hiện hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm ATTP. Kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.

Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong cả nước đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện VSATTP như: Triển khai cuộc vận động phụ nữ cả nước tích cực thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng, tổ chức ký cam kết và xây dựng mô hình phụ nữ thực hiện ATTP...

Nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm được các cấp hội phụ nữ duy trì và nhân rộng là chi hội phụ nữ trồng rau sạch, góc bếp an toàn, rau an toàn, rau sạch tại nhà, chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong VSATTP, quầy hàng an toàn, chuỗi cửa hàng cung ứng thịt lợn sạch hữu cơ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, đại diện các bộ ngành, hội viên... nhấn nút khởi động cuộc thi "Ý tưởng truyền thông về VSATTP". Ảnh: VGP/Đình Nam

Các cấp hội nông dân đã hướng dẫn tổ chức thành lập được gần 100.000 tổ hợp tác, 1.029 hợp tác xã kiểu mới và xây dựng 8.165 dự án với số tiền đầu tư gần 40.000 tỷ đồng để sản xuất rau, rau hữu cơ, chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất theo chuỗi giá trị, câu lạc bộ nói không với chất cấm trong chăn nuôi. Những dự án này cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng kêu gọi các cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, cam kết chỉ sản xuất ra thực phẩm an toàn vì chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi.

Thay mặt các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, chị Nguyễn Thị Đài (xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) cam kết tích cực hưởng ứng thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Mỗi hội viên nông dân, hội viên phụ nữ sẽ là một giám sát viên đấu tranh với các hành vi vi phạm VSATTP.

Cũng tại buổi lễ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về VSATTP” năm 2018. Nội dung dự thi là các ý tưởng có thể phát triển thành sản phẩm truyền thông đề cập đến một hoặc nhiều nội dung liên quan đến thực hiện VSATTP trong các khâu sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn để truyền thông tới người dân, cộng đồng, người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm, chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản, các hộ, các trại trang trại, hợp tác xã trồng trọt chăn nuôi.

Nguồn: Đình Nam-chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525