Đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả

Ngày đăng: 22/02/2012 - Lượt xem: 4612

Chinhphu.vn) – Ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng.

Sáng 23/2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ y tế năm 2012, sơ kết việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự Hội nghị.

Phấn đấu xứng đáng với niềm tin của nhân dân

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển, 57 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thầy thuốc như người mẹ hiền", ngành Y tế nước ta đã lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế và chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Năm 1954, cả nước mới chỉ có khoảng 300 y bác sỹ, thì đến nay đội ngũ này lên tới 200.000 người với trên 13.500 cơ sở khám chữa bệnh. Các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Nêu rõ kỷ niệm 57 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được, chúng ta càng phải nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với sự phấn đấu, hy sinh của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam và với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, ngành y tế cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. - Ảnh: Chinhphu.vn

Đề cập tới những nhiệm vụ của ngành Y tế trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật Bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ và ủng hộ việc triển khai đề án điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế đã được Chính phủ cho phép thực hiện, gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Thủ tướng yêu cầu ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan và UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sớm trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án giảm tải bệnh viện”, trước mắt tập trung ưu tiên giải quyết giảm quá tải cho các bệnh viện đa khoa trung ương, các bệnh viện chuyên khoa tại hai thành phố trên.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành Y tế  quan tâm tới việc mở rộng các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực cho các cơ sở y tế trong thời gian tới; chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý. 

Ngành cần triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động khống chế không để các dịch bệnh lớn xảy ra; tăng cường giáo dục y đức, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc hoàn thiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ y bác sỹ, các cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp cao cả của mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Người thầy thuốc của nhân dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Bằng chứng nhận Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho 72 thầy thuốc có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. - Ảnh: Chinhphu.vn

Hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao năm thứ 3 liên tiếp

Năm 2011 là năm thứ 3 liên tục ngành Y tế tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao gồm: Chỉ tiêu giường bệnh trên 1 vạn dân (không kể giường trạm y tế xã) giao 21 giường, kết quả đạt 21,1 giường; chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 17,3%, đạt 16,8%; chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ sinh giao 0,2%o, ước đạt 0,2%o; chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý giao 82%, đạt trên 82%.

Về cung ứng dịch vụ y tế, ngành y tế đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên. Tỷ lệ mắc và chết do một số bệnh truyền nhiễm giảm so với năm 2010. Ngành Y tế đã chỉ đạo các địa phương tập trung phòng chống dịch có nguy cơ cao và đã khống chế được các bệnh dịch xảy ra trong năm như dịch chân tay miệng, viêm não mô cầu, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1); tiếp tục triển khai có hiệu các dự án thuộc thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia;…

Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể ở tất cả các tuyến, , một số lĩnh vực đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực như  ghép tạng, phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch, hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán hình ảnh…

Y tế cơ sở tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư. Bộ Y tế đã tiến hành tổng kết thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001 – 2010, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế toàn quốc đạt trên 80%.

Cùng với quan tâm phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong điều trị, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đạo đức nghề nghiệp cũng là điều được ngành y tế đặc biệt đề cao, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Người : “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính

Trong năm 2012, ngành Y tế xác định tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như kiện toàn tổ chức bộ máy ngành y tế; triển khai thực hiện Nghị định đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với đó, tổng kết, đánh giá và có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; khuyến khích phát triển dịch vụ y tế kỹ thuật cao; tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống quản lý và xử lý chất thải y tế.

Một nhiệm vụ khác thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế; đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 65% dân số trong năm 2012; tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt khoảng 80%; tiếp tục mở rộng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện;…

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của ngành Y tế đạt thành tích xuất sắc trong năm 2011. - Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng với việc chủ động giám sát dịch tễ để phát hiện, phòng chống sớm, không để các dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt là các dịch bệnh mới phát sinh…, ngành triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; kiểm soát để tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%

Ngành cũng sẽ tiếp tục kiện toàn, củng cố và phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng; triển khai hiệu quả các giải pháp để giảm tải bệnh viện…

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là cần thiết

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận liên quan đến công tác xây dựng hệ thống y tế địa phương, bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế,…

Liên quan giá dịch vụ y tế, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chăn sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngân sách nhà nước dành cho y tế năm sau luôn cao hơn năm trước, tuy nhiên nguồn ngân sách này mới chỉ đáp ứng một phần chi phí đầu tư cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe dân dân.

Bên cạnh đó, khung giá các dịch vụ, kỹ thuật y tế đã qua nhiều năm chưa được điều chỉnh nên không còn phù hợp với tình hình giá cả và chi phí thực tế để thực hiện dịch vụ hiện nay. Việc thu phí tại tuyến xã, phường, thị trấn không có quy định, nên không có cơ sở để thanh toán các chi phí cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Giá đưa ra để thu một phần viện phí không dựa trên giá thành.

Từ thực tế trên, các đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù phù hợp với thực tế hiện nay là cần thiết và về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến trên 50 triệu người hiện nay đã có thẻ bảo hiểm y tế.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ có thêm một phần kinh phí để đảm bảo tốt hơn các hoạt nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế, mặt khác các cơ sở y tế có một phần kinh phí để duy trì hoạt động bệnh viện nói chung và trong việc duy tu bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị y tế nói riêng.

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,555,794
Trong tháng
587,744
Hôm nay
50,853
Đang Online
613