Hội nghị giao ban toàn quốc về đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 09/01/2013 - Lượt xem: 3375

Ngày 9/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm, đã chủ trì Hội nghị giao ban toàn quốc về đảm bảo an toàn thực phẩm với 63 tỉnh, thành phố.

(Toàn cảnh Hội nghị giao ban toàn quốc về đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2013)

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, với những chỉ đạo rất mạnh và hiệu quả từ Chính phủ, năm 2012 tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên cả nước đã có bước chuyển tích cực. So với các năm trước, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã giảm cả về số vụ, số mắc, số đi viện và số tử vong. Theo đó, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 20,7%; số người mắc giảm 12,7%, số người đi viện giảm 22,3%. Đặc biệt, trong năm 2012 không có ca tử vong liên quan tới an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, năm 2012, tình hình ngộ độc thực phẩm, cụ thể là ngộ độc rượu do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có lượng cồn quá ngưỡng cho phép lại có diễn biến rất phức tạp.

So với năm 2011, số người mắc và số tử vong năm 2012 tăng 15 vụ (chiếm 18,8%), số mắc tăng 643 người, số đi viện tăng 308 người và số tử vong tăng 3 trường hợp.

Tử vong do rượu không có nguồn gốc, do nấm độc, do độc tố tự nhiên và độc tố bánh trôi ngô vẫn chưa được kiểm soát triệt để nên dẫn tới những nguy cơ cao về ATTP đối với người tiêu dùng. Việc sử dụng rượu tự nấu, tự pha tồn tại đã nhiều năm, tạo thành thói quen không tốt cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Bộ Y tế cho biết, năm 2012 các cơ  quan chức năng đã tiến hành lấy 223.815 mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu lý, hóa, trong đó có 39.098 mẫu không đạt yêu cầu; mẫu nông lâm, thủy sản có 400/5330 mẫu (7,5%), mẫu nông sản nguồn gốc thực vật, 442/1434 (30,5%) mẫu thịt, 235/1902 (12,4%) mẫu thủy sản không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật, tồn dư hóa chất cấm, kháng sinh kim loại nặng. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2012 phát hiện tới  68% mẫu rượu không đảm bảo ATTP, 5% mẫu rau, quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và 21% ớt bột có hóa chất nhuộm màu đỏ gây ung thư cho người.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo ngại về tình trạng sản xuất, tiêu thụ và sử dụng rượu nấu thủ công, tự pha chế không có kiểm nghiệm, không có tem mác, xuất xứ tại đa số vùng nông thôn ở nước ta cần được đánh giá một cách toàn diện.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông xung quanh Nghị định 94/ 2012 của Chính phủ về quản lý, kinh doanh rượu, trước mắt các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm những quy định trong Nghị định 94. Theo đó từ 1/1/2013 tất cả các loại rượu được bán trên thị trường phải gắn nhãn mác, thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ những loại rượu không có nguồn gốc, không tem, nhãn đang trôi nổi trên thị trường như vừa qua.

Địa phương xử phạt chưa đủ sức răn đe

Bộ NNPTNT cho biết, kết quả kiểm tra tại các cơ sở giết mổ gia cầm, gia súc chỉ có 10,3% cơ sở đạt yêu cầu, ngược lại có tới 45% các cơ sở đã phát hiện có vi phạm vệ sinh ATTP ở mức nghiêm trọng. Chủ yếu các cơ sở giết mổ này nằm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.

“Những con số này cho thấy năm 2012 rất nhiều địa phương chưa thực hiện  nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc  quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở địa phương”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban, các địa phương cho biết, khi phát hiện những sai phạm về ATTP thì chính quyền sở tại hầu như không xử phạt nghiêm túc mà chỉ nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.

(Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình gà nhập lậu tại khu vực biên giới Móng Cái, Quảng Ninh, ngày 9/12/2012)

Về công tác ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm nhập lậu vào Việt Nam, Bộ Y tế cho biết với  sự vào cuộc quyết liệt với các Bộ Công Thương, Công an, 90% số gà nhập lậu đã được kiểm soát; kết quả kiểm nghiệm mẫu gà thải loại từ Trung Quốc đã được bắt giữ tại Lạng Sơn cho thấy tất cả các mẫu gia cầm này đều có tồn dư kháng sinh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương để đảm bảo ATTP cho người dân đã có những bước chuyển biến rất cụ thể, tạo được niềm tin với người dân. Khi các Bộ, ngành và địa phương vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao thông qua những kết quả cụ thể, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần tạo ra sự tin tưởng với người dân đón Tết Quý Tỵ 2013 an toàn. 

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về ATTP, định hướng người dân cần chủ động sàng lọc, lựa chọn cho mình những sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc đảm bảo ATTP, đồng thời có thái độ tẩy chay với những sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP đã được cơ quan có thẩm quyền nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Bộ NNPTNT cần bổ sung tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần một số tiêu chí về ATTP.

Năm 2013, Bộ Y tế tiếp tục củng cố những văn bản pháp quy hướng dẫn về ATTP theo hướng sát thực tế hơn nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, cần đẩy mạnh công tác khen thưởng, động viên kịp thời đối với cá nhân, tập thể tham gia tích cực và có hiệu quả trong công tác đảm bảo ATTP, các Bộ Công Thương, Công an, Y tế báo cáo đề xuất danh sách khen thưởng trước 31/1/2013 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét khen thưởng.

Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tổng hợp những cơ quan báo chí có đóng góp hiệu quả trong công tác tuyên truyền về ATTP trong năm 2012 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, khen thưởng.

“Chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ hơn nữa để Tết Quý Tỵ 2013 người dân sẽ đón Xuân với thực phẩm an toàn hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: Chính phủ

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top