Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 24/7.
Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh nông, lâm, thủy sản thời gian qua mới chỉ dừng ở mức kiềm chế, chưa tạo sự chuyển biến trên thực tế. Việc xử lý còn mang tính sự vụ, chưa quyết liệt và đồng bộ.
Thực tế có không ít nguy cơ về ATTP đối với người tiêu dùng khi tình trạng giết mổ nhỏ lẻ hay tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn còn; việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực phẩm, nhiều cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra vẫn vi phạm mà chưa có cách xử lý triệt để…
Nhìn từ kết quả triển khai Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT của 40/63 tỉnh, thành phố, có một thực tế nổi cộm là việc các cơ sở xếp loại C đang chiếm lượng lớn và khi tái kiểm tra thì đa số vẫn không đạt.
Cụ thể, số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra phân loại và kiểm tra định kỳ là 3.942 cơ sở; 1.260/3.942 cơ sở xếp loại C (chiếm 32%). Có 735 cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra (chiếm 58,3%), cao hơn so với năm 2014 (27,9% cơ sở được tái kiểm tra), sau kiểm tra có 711 cơ sở vẫn xếp loại C (96,7%). Trong số 735 cơ sở này có 702 cơ sở giết mổ và chỉ có 1 cơ sở giết mổ được lên hạng B sau tái kiểm tra.
Điều này cho thấy tình trạng không đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ vẫn còn phổ biến hiện nay, tuy nhiên cơ quan địa phương cũng chưa có biện pháp xử lý nghiêm, răn đe các cơ sở này mà hầu hết chỉ là nhắc nhở, khiển trách.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng, nếu không xử lý triệt để các cơ sở xếp loại C thì công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý vật tư nông nghiệp sẽ không đem lại hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT có quy định nếu các cơ sở xếp loại C mà tái kiểm tra vẫn không đạt thì kiên quyết đóng cửa.
Trước đó, ngày 29/5/2015, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị 4211/CT-BNN-TY yêu cầu chấn chỉnh tình trạng giết mổ không đảm bảo ATTP ở các địa phương. Thế nhưng, việc đóng cửa các cơ sở vi phạm này không hề đơn giản khi các cấp chính quyền ở cơ sở không vào cuộc, xử lý dứt điểm. Chính điều này đã làm cho hiệu lực, hiệu quả pháp lý của Thông tư 45 không được thực thi nghiêm túc.
Để chấn chỉnh, Bộ trưởng Bộ NNPT&NT Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Thú y tiếp tục soạn chỉ thị và công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các tỉnh Yên Bái, Thái Bình thông báo tình hình và chỉ đạo làm điểm nhằm rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. “Thái Bình chỉ kiểm soát 4-5 lò mổ, còn cả nghìn cái chưa kiểm soát được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn chứng.
Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay: Gần đây, có một số nước cảnh báo về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, hồ tiêu, nhưng về bình diện chung thì nông sản nước ta vẫn đảm bảo ATTP và xuất khẩu vào được những thị trường khó tính. “Nông dân ta hoàn toàn làm được sản phẩm sạch, an toàn”, ông Hồng khẳng định.
Tuy nhiên, yếu tố làm mất ATTP chủ yếu ở khâu sử dụng thuốc. “Hiện nay, có 16,2% cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật xếp loại C, tái kiểm thì số cơ sở tiếp tục không đạt cao, trên 80%. Đây chủ yếu là các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ. Để xử lý được các cơ sở vi phạm này, không chỉ xử phạt mà phải có biện pháp xử lý bổ sung như thu hồi giấy phép 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc vĩnh viễn”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai mỗi xã có 1 nhân viên bảo vệ thực vật, đây sẽ là đầu mối tư vấn, tuyền truyền cho nhân dân, giúp chính quyền địa phương quản lý vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tốt hơn.
Nguồn: chinhphu.vn
Bình luận