Ngộ độc cóc Nói mãi vẫn “mới”

Ngày đăng: 10/04/2012 - Lượt xem: 6159

Xuất phát từ quan điểm cho rằng thịt cóc bổ dưỡng hơn thịt gà, bò, có lợi cho những người suy dinh dưỡng, còi cọc hoặc suy kiệt, đặc biệt là trẻ em nên đã có nhiều người sử dụng phương thuốc này. Nhưng do chế biến và sử dụng không đúng cách nên nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí gây tử vong.

Độc tố của cóc tập trung ở đâu?

Các tuyến trên da cóc bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian gọi là “nhựa cóc”. Đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.

Ở người, hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Tuy nhiên, khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng... thì có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng. Chỉ khi chất nhầy này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải các thức ăn làm từ cóc như thịt cóc, ruốc cóc…) thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.

 

Tự chế biến thịt cóc có thể gây ngộ độc.  Ảnh:TL
Triệu chứng của ngộ độc cóc

Các biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc sớm hơn (nhất là nếu nạn nhân có uống rượu, bia), bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân. Tiếp theo là nôn mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp; rồi các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim, co thắt cơ tim... Nạn nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ.

Có nên sử dụng thịt cóc?

Theo các chuyên gia chống độc, nếu sản phẩm chế biến từ thịt cóc có chứng nhận của Bộ Y tế thì sẽ được công nhận là sản phẩm an toàn. Ngược lại, nếu thịt cóc hoặc bột cóc được chế biến từ một cơ sở nào đó chưa có giấy phép kinh doanh mặt hàng này, những người bán rong hoặc người tiêu dùng tự chế biến thì đều không đáng tin cậy, rất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Không có gì đảm bảo rằng chúng ta tự chế biến thịt cóc mà không gây một chút sơ sót nhỏ.
 
Liệu bạn có chắc chắn rằng mình đã loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt? Mặt khác, đối tượng sử dụng thịt cóc hay bột cóc phần lớn là trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng hoặc bệnh nhân suy nhược. Ở những người này, khả năng chống chọi với chất độc của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người khỏe mạnh, trong khi chất độc của một con cóc đủ để giết chết 4-5 người khỏe. Hơn nữa trong cóc chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng, nếu chế biến không kỹ, giun sán, ký sinh trùng sẽ gây hại cho cơ thể
 
Vì vậy, tốt nhất là loại thịt cóc ra khỏi danh sách thực phẩm của gia đình. Nếu lỡ dính chất nhầy bài tiết của cóc vào tay, mắt, miệng..., nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch. Trong trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa, sau khi đã kích thích cho nạn nhân nôn mửa, nên đưa đến bệnh viện súc rửa dạ dày, dùng than hoạt tính hấp phụ bớt chất độc còn sót lại. Trong trường hợp ngộ độc nặng, có thể tiêm tĩnh mạch một liều cao thuốc chống suy tim.
Thạc sĩ. Vũ Quốc Tuấn (Nguồn suckhoedoisong.vn)

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top