Phóng viên: Hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu hành trên thị trường, theo ông bao nhiêu phần trăm trong số đó đảm bảo chất lượng?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả). Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50-60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưu chuộng.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ sản phẩm TPCN phát triển "lộn xộn" như thời gian qua là do cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất TPCN và điều kiện sản xuất thực phẩm nói chung, trong khi đó lẽ ra điều này là cần thiết, ông nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Trong sản xuất thực phẩm, trong đó có TPCN cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới quy định 3 yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện con người và trang thiết bị kỹ thuật. Đây là hạn chế không riêng gì của Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất TPCN, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất TPCN. Hiện Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan liên quan để ban hành quy chuẩn GMP với sản xuất TPCN ở Việt Nam.
Phóng viên: Nhiều ý kiến đang lo ngại tình trạng "tiêu cực" trong công bố kết quả kiểm định chất lượng TPCN của DN, ông có ý thể nói gì về điều này?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Tiêu cực (nếu có) là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Song tôi cho rằng kết quả kiểm nghiệm một sản phẩm TPCN không chỉ tiến hành duy nhất ở một địa chỉ mà được gửi tới nhiều cơ quan khác nhau để kiểm nghiệm. Đó còn chưa kể, sau khi kiểm nghiệm xong, cơ quan quản lý phải lưu hai mẫu, một ở chính cơ quan kiểm nghiệm, một tại DN. Các mẫu phải được niêm phong, khi xảy ra vấn đề khiếu kiện hay tranh chấp, hai mẫu ở hai nơi này sẽ được đem đi kiểm nghiệm lại để lấy đó làm căn cứ kết luận.
Ngoài ra, hiện theo quy định, hàng năm các phòng kiểm nghiệm phải có chương trình đánh giá sự phù hợp. Cụ thể, các cơ quan quản lý có thể lấy ngẫu nhiên một sản phẩm nào đó, không định danh trước, không có tên DN gửi đi các phòng kiểm nghiệm để xác định kết quả, nếu phòng kiểm nghiệm nào cho ra kết quả chênh lệch quá phạm vi cho phép, khác biệt với các kết quả của phòng kiểm nghiệm khác sẽ bị giám sát lại quy trình để đánh giá lại. Với những quy định chặt chẽ nêu trên, tôi cho rằng khó có chỗ cho "tiêu cực" tồn tại.
Phóng viên: Thời gian vừa qua nhiều người dân phản ứng với DN về việc DN quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật khiến họ tin mua nhưng sau đó chất lượng không đảm bảo, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, có chế tài nào để xử lý và hạn chế tình trạng này thưa ông?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng DN vi phạm về TPCN là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).
Trong 6 tháng năm 2015, số tiền phạt quảng cáo liên quan đến TPCN là 1, 6 tỷ ở 77 DN vi phạm.
Để xảy ra tình trạng này, tôi thừa nhận có trách nhiệm của ngành Y tế khi công tác thanh, kiểm tra chưa tiến hành triệt để. Do vậy thời gian tới Cục An toàn thực phẩm cam kết sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, cơ quan phát hành quảng cáo "siết" quảng cáo TPCN.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận