Quản lý thức ăn đường phố sẽ dần đi vào nề nếp

Ngày đăng: 22/01/2013 - Lượt xem: 3962

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng việc tổ chức triển khai Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định quản lý thức ăn đường phố không hy vọng có thể giải quyết được ngay trong “ngày một, ngày hai”.

Trong cuộc gặp mặt báo chí sáng 23/1, ông Trần Quang Trung đã trao đổi về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 30.

Những quy định được đưa ra trong Thông tư 30 gần như không mới và đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay nhưng người kinh doanh vẫn chưa có ý thức về vấn đề này. Lần này chúng ta sẽ triển khai như thế nào để các quy định này được thực hiện đầy đủ, thưa ông?

Ông Trần Quang Trung: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, đặt ra mục tiêu đối với các tỉnh, trong từng năm một phấn đấu đạt bao nhiêu % các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với sự tham mưu của Sở Y tế, các cấp từ chính quyền xã, phường, quận, huyện cho đến thành phố, đến tỉnh sẽ xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở đó, người kinh doanh và người tiêu dùng nhận thức được vấn đề cùng hành động.

Thứ hai là chúng tôi cũng đề nghị UBND các cấp xây dựng các mô hình điểm. Hiện TP Hà Nội đã xây dựng đề án quản lý thức ăn đường phố ở các quận và các phố phường, ở Bình Dương quản lý bằng việc cấp thẻ cho những người kinh doanh.

Sau khi xây dựng các mô hình và tăng cường giám sát thì sẽ xử lý quyết liệt với những người không thực hiện các quy định.

Về quy định phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhưng hiện các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, người bán hàng rong gần như là không thực hiện. Vậy chúng ta sẽ làm thế nào?

Ông Trần Quang Trung: Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm thì người kinh doanh phải biết nguồn gốc thực phẩm mình mua ở đâu, của ai. Người bán nguyên liệu cho người kinh doanh thức ăn đường phố phải cùng có trách nhiệm với người tiêu dùng. Trong thực tế, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm không nhất thiết phải là hoá đơn đỏ mà chỉ cần ghi rõ nơi mua sản phẩm để khi sự cố xảy ra có thể truy xuất nguồn gốc.

Đối với những người bán hàng rong chúng ta sẽ làm thế nào để Thông tư 30 có thể đến được với họ?

Ông Trần Quang Trung: Những người bán hàng rong như khoai, sắn, xôi… không phải là nhiều và nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm không cao vì lượng khách của hàng rong không lớn và thường là khách hàng quen. Ví dụ như ở góc phố có bà bán hàng xôi thì hầu như cháu bé nào cũng biết.

Với những đối tượng này thì phải hướng dẫn họ dùng bao gói như thế nào cho sạch, tuyên truyền để họ có ý thức với người đã mua thức ăn của mình. Chúng tôi cho rằng có nhiều hình thức để tuyên truyền cho những người bán hàng rong, ở đây có vai trò quan trọng của chính quyền địa phương vì có thể nắm rõ số lượng hàng rong trên địa bàn mình quản lý.

Nhưng nếu chúng ta đã tuyên truyền và hướng dẫn rất kỹ nhưng sau một thời gian triển khai mà tình hình vẫn không cải thiện thì chúng ta sẽ giám sát hay xử lý các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như thế nào?

Ông Trần Quang Trung: Sau khi làm tích cực và có nhiều mô hình tốt thì chúng ta cũng phải kiên quyết xử lý những người cố tình không chấp hành.

Ví dụ như ở Bình Dương, kiểm tra 2 lần mà không bảo đảm các điều kiện quy định thì thu giấy phép. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 91/2012/ NQ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong đó có mức phạt từ 500.000 đồng – 3 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm kinh doanh thức ăn đường phố như bày bán ở nơi không đảm bảo vệ sinh hay mua những thực phẩm quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng…

Song tôi cho rằng đây là một vấn đề khó khăn nhất là trong khi chúng ta còn có rất nhiều người lao động nghèo. Thêm nữa việc kinh doanh thức ăn đường phố là một tập quán cũng đã có từ lâu rồi. Nếu không có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ chính quyền xã, phường đến các cơ quan quản lý, sự phối kết hợp ở các cơ quan liên ngành, và tuyên truyền ở các cơ quan báo chí thì việc này khó thành công.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đây không phải ngày một ngày hai mà là sự cố gắng của toàn xã hội. Nếu chúng ta cùng chung tay cố gắng, với chủ trương đúng đắn, mục tiêu vì người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ thành công. Cũng như chúng ta thành công trong việc cấm đốt pháo, quy định người tham gia giao thông phải bắt buộc đội mũ bảo hiểm...

Nguồn: chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top