Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 24/01/2017 - Lượt xem: 6798

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 08), Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau:

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 08 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về an toàn thực phẩm đã chuyển biến mạnh. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn thực phẩm có tiến bộ. Đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm trở thành vấn đề rất lớn, gây bức xúc, lo lắng toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của từng người dân, đến giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững đất nước.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác, thiếu căn cứ khoa học, tác động rất tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

Những hạn chế, bất cập, yếu kém nói trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là một số cấp ủy tổ chức đảng chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm. Thể chế, chính sách về bảo đảm an toàn thực phẩm chưa phù hợp, thiếu đồng bộ; chế tài chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa có hiệu quả vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là chưa chú ý xem xét, xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm.

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập nói trên, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 08; đồng thời quán triệt, thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp sau:

1- An toàn thực phẩm có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống.

Phấn đấu sớm đạt mục tiêu tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn.

Bảo đảm an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu,vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là của người đứng đầu; là chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội hằng năm ở các cấp.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, từng người dân cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và các phương tiện truyền thông để bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng.

2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về an toàn thực phẩm, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về an toàn thực phẩm; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội và hội nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về an toàn thực phẩm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các báo, đài khác có kênh, chương trình truyền thông chuyên đề, chuyên mục về an toàn thực phẩm theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền; biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh của quốc gia về an toàn thực phẩm; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm.

Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

3- Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết là với các nước láng giềng để bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hóa chất bảo vệ thực vật, các chất cấm trong sản xuất thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là qua đường tiểu ngạch.

Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

4- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ban cán sự đảng Chính phủ sớm chỉ đạo tổng kết việc thi hành Luật An toàn thực phẩm để trình Quốc hội sửa đổi, ban hành Luật mới cho phù hợp; trên cơ sở đó, chỉ đạo nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời chỉ đạo hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm theo tiêu chí tiên tiến thế giới.

Tăng cường, phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông và tiêu dùng; đồng thời có những biện pháp phù hợp, kiên quyết để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường. Bổ sung các chế tài cần thiết, bảo đảm xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an toàn thực phẩm, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

5- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới công nghệ sản xuất thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm.

6- Về tổ chức thực hiện

Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể thực hiện Kết luận này.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư./.

Nguồn: TTXVN

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top