Về tình hình ATVSTP tại địa phương, BS. Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đồng Nai cho biết, với vị trí là một cửa ngõ của trục động lực phát triển kinh tế phía Nam, trong thời gian qua, tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp hóa cũng đặt ra cho Đồng Nai nhiều khó khăn trong quản lý và đảm bảo công tác ATVSTP.
Theo BS. Bình, hiện với sự hình thành và hoạt động của 30 khu công nghiệp (KCN) với hơn 900 nhà máy, xí nghiệp và tập trung tới trên dưới 700.000 lao động (cộng với dân số của tỉnh hơn 2,5 triệu người), Đồng Nai luôn đứng trước nguy cơ mất an toàn về vệ sinh thực phẩm nếu ban ngành chức năng không kiểm soát tốt.
Đoàn công tác làm việc với Chi cục ATVSTP Đồng Nai.
Ảnh: Tuân Nguyễn
|
Thêm vào đó, nhiều khó khăn đặt ra như hệ thống các cơ sở thực phẩm phần lớn là nhỏ, lẻ, mang tính chất hộ gia đình (năm 2011, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 9.839/19.232 cơ sở, đạt 51,2%), các điều kiện vệ sinh tại cơ sở chưa tốt, nguy cơ gây ngộ độc hàng loạt và lây truyền bệnh qua đường thực phẩm còn cao. Thực phẩm kém chất lượng chưa được kiểm soát tốt và còn lén lút lưu thông trên thị trường.
Thực trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp vì địa phương vẫn chưa có nguồn thực phẩm an toàn và ổn định cung cấp cho tiêu dùng của người dân và các KCN. Hiện, công tác đảm bảo ATVSTP được đặt trọng tâm vào giám sát 339 cơ sở là bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn bởi trong năm 2011, địa bàn vẫn xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tại 3 bếp ăn tập thể và 1 đám cưới với 238 ca mắc nhập viện, rất may không có ca nào tử vong.
Trước nhiều khó khăn tồn tại, ngành y tế Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến thực hiện công tác kiểm tra, giám sát liên ngành (tuyến tỉnh thanh tra 182 cơ sở, phát hiện 29% cơ sở vi phạm; tuyến huyện xã kiểm tra gần 44 ngàn lượt, xử lý hơn 5.134 cơ sở vi phạm, đồng thời phối hợp với Sở NN&PTNT xử lý hàng chục tấn thịt heo không nguồn gốc, bị ô nhiễm nặng…).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập các Ban chỉ đạo, phát động và thực hiện Tháng hành động về ATVSTP tại các tuyến, xây dựng và quản lý hồ sơ các cơ sở (98% các cơ sở được lập hồ sơ theo dõi) đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn (hàng trăm lớp tập huấn trong năm 2011 cho hơn chục ngàn đối tượng là cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm), công tác tuyên truyền cho người dân về sử dụng thực phẩm và hàng trăm tài liệu truyền thông cũng được ban hành để hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn vệ sinh trong sử dụng thực phẩm.
Phát biểu trao đổi và chỉ đạo, Cục trưởng Nguyễn Công Khẩn cho biết, trong bối cảnh nhiều văn bản luật về ATVSTP có hiệu lực, nhiều dự án về ATVSTP trong Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được phê duyệt trong năm qua sẽ là hành lang pháp lý và là điều kiện tốt để các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý, giám sát về công tác đảm bảo ATVSTP. Cục trưởng nhận định, với tình hình như hiện nay của Đồng Nai, cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường trực.
Đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể tại Công ty Pouchen VN.
Ảnh: Công Bằng
|
Trong thời gian tới, để đảm bảo tốt hơn về ATVSTP, Cục trưởng đề nghị ngành y tế và Chi cục ATVSTP Đồng Nai cần thực hiện giám sát, quản lý tốt với các nguy cơ ngộ độc. Trong phối hợp liên ngành cần phát huy vai trò của tổ trưởng tổ công tác. Về kỹ thuật, cần đầu tư cho các labo xét nghiệm. Đặc biệt, các KCN tập trung với số lượng lớn đặt ra yêu cầu rằng: Địa phương cần có chương trình riêng về đầu tư, xây dựng các bếp ăn ngay tại KCN.
Nhiều nơi đã và đang triển khai vấn đề này (TP. HCM đang nghiên cứu xây dựng phương án, Hà Nội cũng đã chi 29 tỷ cho công tác này) và đây cũng là quan điểm của ngành y tế để phòng chống ngộ độc thực phẩm tập thể. Trong truyền thông, cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng và tập trung tập huấn cho các đối tượng doanh nghiệp, những người trực tiếp chế biến, sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Tuân Nguyễn (SKĐS)
Bình luận