Tiếp tục đẩy mạnh thông tin về an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 18/12/2018 - Lượt xem: 21666

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã ra đời được hơn 7 năm, hiệu lực của Luật đã phần nào ngăn chặn tình trạng thực phẩm mất vệ sinh được bày bán, giúp sản xuất thực phẩm đi vào quy củ hơn. Tuy nhiên, với những chuyển động của đời sống, nhiều chi tiết thi hành Luật cũng cần được xem xét thường xuyên hơn để bám sát cuộc sống.

Vẫn còn nhiều vi phạm

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y và Đội CSGT Cát Lái thuộc Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC08) Công an TPHCM kiểm tra xe tải mang biển số 62C-060.XX do tài xế Võ Hoàng Sang (trú tại tỉnh Long An) điều khiển tại đoạn qua trạm thu phí cầu Phú Mỹ, Quận 2, TPHCM. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 70 thùng xốp chứa khoảng 3 tấn chim cút đông lạnh bốc mùi hôi thối. Tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như kiểm dịch đối với số thịt chim cút nói trên, tài xế khai nhận chở thuê lô hàng từ Lâm Đồng về các tỉnh miền Tây. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ lô hàng để xử lý theo quy định pháp luật.

Không chỉ tại TPHCM, theo thống kê của ngành y tế (chủ trì trong việc phối hợp liên ngành về ATTP) thì chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP, phạt tiền hơn 42,5 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu như: Sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức…

Tuy nhiên, việc xử phạt này chủ yếu là những vụ việc vi phạm luật rõ ràng có thể xử lý. Nhiều vụ việc tiềm ẩn nguy cơ nhưng chế tài vẫn chưa đủ mạnh để xử phạt.

Điển hình như việc thông tin ở một số văn bản chưa thực sự thống nhất khiến việc xử lý dễ đi vào “ngõ cụt”. Theo Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ATTP vẫn tồn tại, ví dụ như trong một số văn bản có giải thích từ “kinh doanh” tại Luật ATTP năm 2010 không bao gồm dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại khái niệm “kinh doanh” bao gồm cả công đoạn sản xuất, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích có lãi. Hay như trường hợp ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu ra: Khi xử lý hàng hết hạn sử dụng, theo Nghị định 185 của Chính phủ thì xử phạt và tịch thu hàng hóa, nhưng theo hướng dẫn mới của Cục Quản lý chất lượng thì có xử lý mà lại không tịch thu. “Hàng hóa hết date mà không tịch thu thì nguy hiểm, nhưng nghị định nào ra sau thì chúng tôi phải thực hiện theo”, ông Lộc cho hay.

Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP tại ngành nông nghiệp, công thương và các quận, huyện, xã, phường còn thiếu và trình độ quản lý ATTP hạn chế, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, trong khi một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt thì không ít người tiêu dùng lại dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm.

Tăng cường truyền thông

Trong điều kiện Luật định cần có những trải nghiệm thực tế để điều chỉnh cho sát thực thì việc tăng cường truyền thông được cho là phương thức hữu hiệu nhất để nâng cao ý thức về ATTP cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhìn nhận, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ DN và người lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm an toàn. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN kết nối cung-cầu về sản phẩm ATTP thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho DN thông qua hệ thống phân phối trong nước. Ngoài ra, DN cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan làm trong sạch môi trường kinh doanh, nói không với sản phẩm, thực phẩm không an toàn; sẵn sàng tiêu hủy, không cung cấp sản phẩm, thực phẩm không an toàn ra thị trường.

Để DN sản xuất bảo đảm ATTP, bà Sarah Cruikshank Ockman, Giám đốc Toàn cầu Chương trình ATTP của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, các DN Việt Nam phải vượt qua "rào cản" tâm lý, thực sự hiểu được những giá trị mà các tiêu chuẩn quốc tế về ATTP mang lại; cần xem việc đầu tư vào các tiêu chuẩn ATTP là một loại chi phí và là một khoản đầu tư cho sự phát triển bền vững của DN, nâng cao giá trị thương hiệu.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhìn nhận, Việt Nam là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp với giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm lên tới hơn 18 tỷ USD, nhưng Việt Nam cũng bị thiệt hại khoảng 700 triệu USD/năm do vấn đề mất ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực phẩm, Chính phủ cần có những chiến lược phù hợp, trong đó có thể áp dụng kinh nghiệm thực tế của một số nước trên thế giới.

Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Deheus châu Á (DN sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hà Lan), trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam hầu như chỉ chú trọng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường trong nước ngày càng lớn mạnh, người tiêu dùng Việt Nam khó tính hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Điều này có nghĩa Việt Nam cần kiểm soát chặt hơn các tiêu chuẩn về ATTP, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ các đối tác, đặc biệt là các DN tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn.

Ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần lưu ý kiểm soát chặt hơn nữa thị trường thực phẩm nội địa bởi thực tế cho thấy, đã có sự gia tăng rõ rệt của tầng lớp trung lưu trong những năm gần đây - những người có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ở trong nước; đồng thời có những chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn bền vững hơn trong thời gian tới.

Nguồn: Đỗ Hương-chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top