Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng cần xử lý vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) ở mức cao nhất, thậm chí có thể xử lý hình sự những vi phạm nghiêm trọng. “Chúng ta phải kiên quyết với thực phẩm bẩn, nếu không sẽ mất niềm tin của người tiêu dùng về ATTP”, ông Phong nói.
Thưa ông, thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh tình trạng bắt được số lượng lớn thực phẩm bẩn như, ruốc làm từ gà thải bệnh, thịt bò khô làm từ thịt lợn hỏng, hay nội tạng động vật đã bốc mùi, lên mốc. Mới đây nhất, về rau sạch lại phát hiện rau không rõ nguồn gốc được phù phép thành rau sạch tuồn vào siêu thị, bếp ăn trường học khiến người dân hoang mang lo lắng bởi bị bủa vây bởi thực phẩm bẩn. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ATTP thời gian gần đây?
Thông thường, dịp Tết nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng đột biến, nhất là thịt cá, trứng sữa, rau củ quả rượu bia bánh mứt kẹo, hạt có dầu. Nếu không có hệ thống quản lý tốt, sẽ có những sản phẩm không chất lượng đưa ra thị trường. Thấy rõ quy luật thị trường và thực tiễn, năm nào vào dịp trọng điểm Ban chỉ đạo liên ngành trung ương cũng xây dựng kế hoạch tập trung tuyên truyền, thanh kiểm tra.
Do tăng cường công tác thanh kiểm tra nên thời gian gần đây, tần xuất phát hiện thực phẩm bẩn dày hơn, số cơ sở vi phạm, vụ vi phạm phát hiện nhiều hơn. Số lượng bắt được như vậy chưa khẳng định hết vi phạm nhưng thể hiện sự quyết liệt của cơ quan chức năng, nếu không có sự quyết liệt như vậy thì những sản phẩm đó đã ra thị trường.
Chúng ta đã quyết liệt xử lý để ngăn chặn, bên cạnh các sản phẩm đã bị xử lý vi phạm, còn có một lượng rất lớn mà chúng ta đang tiêu dùng hàng ngày là những sản phẩm đã được kiểm soát.
Trong thực tế, tỷ lệ rau củ quả, thịt cá mỗi năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy hàng chục nghìn mẫu, số lượng thực phẩm vi phạm phát hiện rất thấp. Như với rau xanh, tỷ lệ mẫu có chứa các hóa chất bảo quản, tăng trưởng vượt ngưỡng trung bình 3 - 5%. Như vậy không có nghĩa tất cả rau trên thị trường không đảm bảo an toàn. Tất nhiên, về nguyên tắc dù chỉ mẫu vượt ngưỡng không an toàn đã phải quan tâm vì quyền lợi của người tiêu dùng.
Thưa ông, niềm tin về ATTP của người dân bị “lay động” bởi các xử lý vi phạm ATTP còn mang tính hình thức, xử phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe. Quan điểm của ông về việc xử lý vi phạm về ATTP như thế nào?
Khi xảy ra vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân trông chờ thái độ của cơ quan chức năng xử lý vấn đề đó như thế nào. Nếu thờ ơ trước thông tin, người dân sẽ mất lòng tin. Vì thế, quan điểm của tôi, dù nhận được bất cứ thông tin phản ánh về thực phẩm bẩn nào cần phải đi giải quyết, xác minh. Thông tin có thể đúng, có thể chưa đúng như phản ánh nhưng bắt buộc anh phải xuống xác minh thông tin để có trách nhiệm với người tiêu dùng.
Bởi mục tiêu số 1 của cơ quan chức nặng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Những đơn vị làm xấu dần phải dẹp đi và để đơn vị làm tốt phát triển. Không làm kiên quyết, tốt - xấu lẫn lộn, người dân sẽ mất lòng tin. Không kiên quyết với thực phẩm bẩn, người dân sẽ không biết tin vào đâu dần sẽ mất lòng tin! Như hành vi rau không nhãn mác đội lốt rau sạch vào siêu thị, chỉ cần 1 hành vi như vậy mất niềm tin rất lớn từ người tiêu dùng, phải lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm nếu không dân sẽ hồ nghi về rau sạch.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, có một số nơi còn xuê xoa, chưa làm hết trách nhiệm. Như đi kiểm tra biết cơ sở không đảm bảo vệ sinh nhưng lại không yêu cầu ngừng kinh doanh vẫn tiếp tục cho hoạt động và gây ngộ độc; thanh tra nghìn cuộc xử phạt 1 - 2 công ty.
Với cá nhân tôi, đã từng nhận thông tin người dân báo về nơi sản xuất rượu giả không đăng ký, tôi đã thông báo số tới số điện thoại của người phụ trách thực phẩm địa phương, nhưng sau 2 ngày kiểm tra người này nhận thông tin nhưng không xử lý, kiểm tra gì cả. Quan điểm cá nhân tôi, nếu không làm quyết liệt, nếu thấy rõ vi phạm mà không xử lý, đặc biệt là người đứng đầu mà thờ ơ như thế thì nên thay người khác.
Để xảy ra tình trạng mất ATTP, kể cả chỉ 1 vụ dù muốn hay không, cơ quan chức năng trong đó có cả cơ quan y tế phải chịu vi phạm. Bên cạnh đó, một phần do người tiêu dùng, biết sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ, nguy cơ là rất lớn nhưng vì điều kiện kinh tế, hoặc thiếu hiểu biết vẫn mua sử dụng, nên các sản phẩm đó mới có đất sống.
Về xử phạt các vi phạm ATTP, Bộ Y tế đề nghị xử lý vi phạm thực phẩm bẩn ở khung hình phạt cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm, nhất là với các cơ sở tái phạm. Thậm chí đề nghị với trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan công an xử lý.
Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn?
Chúng tôi khẳng định các sản phẩm bao gói sẵn đã được cơ quan y tế chứng nhận, bày bán nơi đảm bảo vệ sinh, phù hợp hợp quy định, còn hạn sử dụng là an toàn. Tuy nhiên khi phát hiện các sản phẩm bất thường về cảm quan (như bia rượu là trong suốt nếu phát hiện vài chai trắng đục, bất thường cảm quan thì phải dừng không sử dụng, báo cơ quan chức năng (chính quyền địa phương, báo đài, cơ quan quản lý ATTP, công an).
Người dân nên mua sản phẩm thực phẩm ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, được chứng nhận của cơ quan chức năng.
Để tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết nguyên đán, trong dịp Tết, các đơn vị từ Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản; Cục Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ công an; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương); Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cùng các đoàn thanh tra liên ngành sẽ tiếp tục bố trí lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung các khu vực chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Nguồn: Hồng Hải - dân trí (thực hiện)
Bình luận