ATTP dịp Tết Nguyên đán: Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng

Ngày đăng: 07/02/2016 - Lượt xem: 10178

Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Bính Thân đang được dư luận hết sức quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi gặp gỡ cuối năm với phóng viên báo chí

Có thể bạn quan tâm

- Chào bà, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay rất đáng báo động, ngành y tế đã triển khai các giải pháp gì để bảo đảm ATVSTP dịp Tết Nguyên đán 2016?

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, thực phẩm của người dân tăng. Nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ rất cao. Để bảo đảm ATVSTP phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, ngày 30.11.2015, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP đã ban hành Kế hoạch số 1066 /KH-BCĐTƯ VSATTP, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2016.

Trong kế hoạch đã phân công cụ thể các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Đắc Lắc, Lâm Đồng), đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đã nêu rõ đối tượng, nội dung, phương pháp thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Kế hoạch cũng nêu rõ tập trung ưu tiên vào những cơ sở SX, KD các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt…; tập trung thanh, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở nhập khẩu thực phẩm… Đồng thời chỉ rõ phải đảm bảo phối hợp giữa các ngành, các cấp, tránh sự chồng chéo. Bên cạnh đó, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm làm đầu mối) đã gấp rút triển khai các hoạt động truyền thông tới từng hộ gia đình trên địa bàn cả nước.

ATTP dịp Tết Nguyên đán: Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

- Người dân đã dần mất đi sự tin tưởng bởi hàng loạt các vấn đề ATVSTP bị các cơ quan chức năng phanh phui trước Tết như: thu giữ hàng tấn thịt thối, mứt Tết phơi cạnh nhà vệ sinh... Ngay đến cả một hãng sản xuất ô mai nổi tiếng cũng vi phạm. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, hàng hóa thực phẩm trở nên vô cùng đa dạng, phong phú. Thế nhưng thông tin về thực phẩm bị nhiễm các chất độc hại đang trở thành nỗi kinh hoàng luôn thường trực với người dân. Tết nay không giống Tết xưa, cuộc sống khá giả, hiện đại, thực phẩm không thiếu, đồ ăn thức uống cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Việc lựa chọn hàng hóa an toàn cũng không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa, thực phẩm cũng dễ bị hỏng do điều kiện khí hậu nóng ẩm, lại ô nhiễm nên thực phẩm không được bảo quản tốt. Hơn nữa dịp Tết là lúc buôn bán đắt đỏ nên rất nhiều người vì lòng tham lợi nhuận mà coi rẻ sự an toàn của người tiêu dùng.

Những thiệt hại do không đảm bảo ATVSTP gây nên nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong. Thiệt hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm đối với cá nhân là chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, sự mất thu nhập do phải nghỉ làm… Đối với nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận do thông tin quảng cáo… và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng.

- Vậy người dân phải lựa chọn thực phẩm như thế nào đối với hàng loạt các sản phẩm phong phú như hiện nay?

Để có một cái Tết an toàn, ngoài những việc làm thường xuyên tích cực của các lực lượng chức năng thì trước hết, mỗi tiểu thương cần tự nâng cao ý thức kinh doanh buôn bán vì sức khỏe chung của mọi nhà. Người dân nên mua hàng hóa có nhãn mác đầy đủ, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, kiểm tra tận gốc hàng tiêu dùng chứ không chỉ kiểm tra mỗi nơi buôn bán hàng hóa. Ngoài ra, những mặt hàng giả, hàng nhái cũng hết sức quan trọng cần phải lưu ý trong dịp Tết đến xuân về. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng.

Nhân dịp năm mới thay mặt cho ngành y tế, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến độc giả của báo điện tử Một Thế Giới năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành công và đảm bảo tốt công tác an toàn thực phẩm cho chính bản thân và gia đình.

Nguồn: Minh Khuê- Báo điện tử Một thế giới

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top