Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 do đồng chí Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm Trưởng Đoàn cùng đại diện Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thưong, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra tại TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Tại các địa phương, Đoàn đã làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở các cấp; kiểm tra một số cơ sở thực phẩm trên địa bàn theo chủ đề của Tháng hành động năm 2016 “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.
Tại Hậu Giang, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Tỉnh đã có kế hoạch triển khai Tháng hành động, tổ chức các hoạt động truyền thông theo hướng dẫn của Trung ương, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) tiến hành thanh tra, kiểm tra trên địa bàn. Đoàn đã kiểm tra hoạt động tại 01 lò giết mổ, 01 trang trại nuôi heo, 01 siêu thị trên địa bàn ghi nhận: Lực lượng Thú y đã thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ cơ sở ký các cam kết không vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; siêu thị bán sản phẩm thịt được kiểm tra thú y theo quy định.
Tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố đã có kế hoạch triển khai Tháng hành động, tổ chức các hoạt động truyền thông và thanh tra, kiểm tra liên ngành ở cả 3 cấp (thành phố, quận, huyện và xã, phường). Đoàn đã kiểm tra hoạt động tại 01 cơ sở trồng rau an toàn, 01 chợ thí điểm mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm, 01 siêu thị trên địa bàn ghi nhận: Hợp tác xã trồng rau đã được địa phương, cơ quan bảo vệ thực vật hướng dẫn phát triển mô hình, đã có sản phẩm cung ứng cho thị trường; mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm khá sạch sẽ, kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm bán trong siêu thị.
Một số tồn tại ghi nhận tại 2 địa phương đó là: Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp quận (huyện), phường (xã) chủ yếu giao lực lượng y tế thực hiện; tại Cần Thơ ngành nông nghiệp chưa hướng dẫn các cơ sở trồng rau an toàn thực hiện kiểm soát quá trình nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm dẫn tới sản phẩm trồng nhưng không có cơ sở chứng minh là an toàn nên không bán được; mô hình chợ an toàn thực phẩm chưa thực hiện tốt quy trình kiểm soát chất lượng, còn giết mổ trong chợ; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
Đoàn ghi nhận một số kiến nghị của địa phương để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm: kinh phí, nguồn nhân lực, đào tạo bồi nghiệp vụ.
Đoàn liên ngành số 05 đã yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Hậu Giang và Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động và duy trì sau tháng hành động tập trung vào:
1. Truyền thông việc không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thực hiện đúng các quy định về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, tuyên truyền sâu rộng việc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
2. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành ở địa phương, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm phát hiện, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cơ sở vi phạm; đồng thời thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm để người dân biết, lựa chọn.
VFA
Bình luận