Hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022

Ngày đăng: 11/03/2022 - Lượt xem: 1931

Ngày 10/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hơn 170 điểm cầu tại 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Bộ Y tế tham dự và chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham dự và chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử cho thấy đa số các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về quảng cáo. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã phát hành nội dung quảng cáo không đúng quy định.

Ngoài các vi phạm của các doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm, bên cạnh đó còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển thì việc lợi dụng mạng xã hội để đưa ra nội dung quảng cáo không đúng sự thật đã gây bức xúc dư luận xã hội. Các cơ quan chức năng, trong đó có bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã tích cực xử lý vi phạm và đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn để kiên quyết xử lý, tuy nhiên tình trạng đó vẫn không giảm.

Để xử lý, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm này cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, nhiều bộ ngành và các địa phương. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chân chính, lành mạnh phát triển, đồng thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm,  Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” nhằm phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình quản lý hoạt động quảng cáo cũng như đề xuất các giải pháp.

Đ/c Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP báo cáo thực trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ 

Những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay: 

Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Giả danh Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Công an, Quốc phòng, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, đài truyền hình địa phương. 

- Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo.
- Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

+ Năm 2020: Cục ATTP xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở (với 54 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt: 2.265.000.000đ.
+ Năm 2021: Cục ATTP đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở (với 40
hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt: 1.544.500.000đ.
- Thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin. Năm 2020, 2021, website Cục (vfa.gov.vn) đã đăng 246 bài cảnh báo.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế và các điểm cầu đặt tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc TW đã đã tích cực tham gia tham luận tại Hội nghị.

Đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tham luận tại Hội nghị

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương báo cáo tham luận tại Hội nghị

Điểm cầu tại TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị

Điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Hội nghị

Điểm cầu tại TP Đà Nẵng phát biểu tham luận tại Hội nghị

Điểm cầu tại tỉnh Thanh Hoá phát biểu tham luận tại Hội nghị

Sau khi nghe báo cáo của đại diện các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương cũng như ý kiến tham luận của đại diện các tỉnh/thành phố trực thuộc TW, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận một số nội dung như sau:

1. Các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã rất rõ ràng và đầy đủ, cụ thể ở đây là trước khi quảng cáo người có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định của cơ quan chuyên môn, không được quảng cáo khi chưa thẩm định nội dung hoặc quảng cáo sai với nội dung đã được thẩm định, nghiêm cấm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, không được sử dụng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

2. Bênh cạnh những tổ chức, cá nhân có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe  thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thì vẫn còn rất nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận vẫn cố tình thực hiện quảng cáo sai quy định của pháp luật, đặc biệt là lợi dụng và giả mạo danh nghĩa, uy tín của cơ quan y tế, thậm chí cắt ghép, giả mạo hình ảnh của các cơ quan truyền thông TW như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để quảng cáo. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là quảng cáo trên các trang mạng xã hội, quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nên trên, nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là:

- Vì lợi nhuận nhiều tổ chức cá nhân sẵn sàng vi phạm, kể cả cơ quan phát hành quảng cáo.

- Sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, mặc dù chúng ta đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là khó khăn trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các nền tảng trang mạng xã hội.

- Một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo như vấn đề mở các tên miền, website quy định về xử phạt bổ sung chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận Hội nghị

Để hạn chế tối đa các hành vi, vi phạm và bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng cũng như tạo ra sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị:

1. Đối với các cơ quan quản lý:

- Bộ Y tế: Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ cũng như tại địa phương phải tăng cường hơn nữa, kiên quyết hơn nữa xử lý vi phạm. Bên cạnh việc xử lý vi phạm thì công bố, công khai các cơ sở vi phạm như  những năm vừa rồi Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã làm; Nghiên cứu, xem xét, rà soát các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng quy định chặt chẽ hơn.

 - Bộ Công Thương:

Tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật, có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn thương mại điện tử vi phạm pháp luật về quảng cáo.

- Bộ Thông tin và truyền thông

  Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, google, youtube, và các mạng xã hội khác yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo, thực hiện nghiêm túc Nghị định 70/2021/NĐ-CP ngày 20/07/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

 Xử lý theo thẩm quyền các cơ quan phát hành quảng cáo cố tình quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.

 Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm.

- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

- Bộ Công An: Bộ Công An chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

- Bộ kế hoạch và đầu tư: Quy định chặt chẽ hơn về việc cấp, đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.

- Ủy Ban nhân dân các cấp: Chỉ đạo các báo, đài Truyền hình và phát thanh địa phương, các cơ quan phát hành quảng cáo trên địa bàn chỉ được tiến hành quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.

2. Đối với các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo:

- Yêu cầu các đơn vị phát hành quảng cáo cần chủ động, có trách nhiệm kiểm tra mẫu quảng cáo so với với nội dung đã được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận. Kiên quyết không nhận những mẫu quảng cáo chưa có dấu xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước đã thẩm định nội dung.

- Các đơn vị chủ quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.

3. Đối với các cơ quan truyền thông:

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng.

Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.

Toàn cảnh các điểm cầu tham dự Hội nghị

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top