Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục ATVSTP Lào Cai đã cử cán bộ đi xác minh và được biết: Vụ ngộ độc đầu tiên xảy ra vào ngày 31/5, khi em Vàng Thị Yêm, trú tại thôn Mí 2, xã Xuân Hòa hái nấm trắng trong vườn nhà về ăn. Ăn xong chừng 2 tiếng đồng hồ thì hai mẹ con thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nôn và đi ngoài. Người nhà đã đưa hai mẹ con vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cấp cứu và điều trị.
Lãnh đạo Chi cục ATVSTP Lào Cai thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc.
Vụ ngộ độc thứ hai xảy ra tại gia đình ông Hoàng Văn Cường, trú tại xóm Hạ (cũng thuộc xã Xuân Hòa). Vào ngày 2/6, con gái ông Cường là Hoàng Thị Lập ra đồi đằng sau nhà hái nấm về nấu bữa trưa. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau khi ăn, cả 8 người trong gia đình ông Cường đều lần lượt vào viện cấp cứu.
Vụ thứ 3 là ông Đặng Văn Trung, 47 tuổi, trú tại Bản Lâu 4, xã Xuân Thượng thấy nấm mọc nhiều, nhìn thấy ngon nên ông lấy về nướng ăn. Vợ con ông thấy nấm lạ nên không dám ăn nên một mình ông Trung xơi tất. Ăn xong một lát, ông thấy buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài và được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Qua điều tra, Chi cục ATVSTP xác định nguyên nhân là do không nhận biết được nấm ăn được với nấm không ăn được, nên mới xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên.
Chi cục ATVSTP Lào Cai khuyến cáo mọi người khi khai thác và sử dụng nấm mọc tự nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc: Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn là nấm ăn được; kiểm tra, xác định nấm thật kỹ trước khi chế biến thành món ăn; phải kiên quyết loại bỏ nấm lạ; tuyệt đối không ăn thử nấm vì nếu là nấm độc có thể gây chết người. Không nên hái nấm quá non, khi chưa xoè mũ nấm (đối với nấm tán) vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của chúng nên không xác định được rõ loài; không nên ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, phát sáng vào ban đêm. Khi bị ngộ độc nấm cần đưa người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.
Đây là loại nấm độc mà em Vàng Thị Yêm đã hái về ăn.
Chi Cục ATVSTP tỉnh Lào Cai
Bình luận