Các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn được các cơ quan chức năng phạt hiện liên tục. Từ khâu sản xuất cho đến lưu thông, thực phẩm đều đang có vấn đề. Người dân đang đặt câu hỏi, ngày nay, ăn gì cho an toàn?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của VietNamnet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ngày nào chúng ta cũng bắt gặp các thông tin về thực phẩm bẩn, độc. Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra dày đặc. Theo ông, tình trạng này có đáng báo động không và quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Thanh Phong: Khi thực phẩm không đảm bảo chất lượng còn đến bữa ăn của người dân, đó sẽ còn là nỗi lo lắng không những của các cơ quan chức năng, của chính của người tiêu dùng, kể cả của toàn xã hội.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, hiện nay là tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đang tiến hành một chiến dịch cao điểm thanh tra, kiểm tra. Tần suất các đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc tăng lên rất nhiều so với thời kỳ trước.
Cùng đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm cần được công khai tên, địa chỉ, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt thu hồi các loại giấy phép thì việc công khai tên tuổi các đối tượng vi phạm này là để cảnh báo người dân.
Cho nên vì thế, chúng ta có cảm giác các thông tin về thực phẩm bẩn dồn dập nhiều hơn.
Theo kết quả nghiên cứu mẫu lấy ngẫu nhiên trên thị trường của Bộ NN&PTNT đối với sản phẩm nông sản, bình quân các năm trước, trong hàng chục nghìn mẫu thì số mẫu vượt ngưỡng chỉ tiêu an toàn là khoảng 2-5%. Các nước khác cũng có tình trạng này, nhưng trung bình chỉ 2-3%. Tỷ lệ này của ta cao hơn các nước phát triển.
Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2015, bộ NN&PTNT báo cáo, số mẫu vượt ngưỡng chỉ tiêu an toàn là 10%. Tôi cho rằng, đây là con số rất đáng phải quan tâm. Về nguyên tắc, kể cả là 1 mẫu không đạt an toàn cũng phải quan tâm, rất đáng báo động.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, không chỉ ở nước ta mà kể cả các nước phát triển, rủi ro về an toàn thực phẩm là rất khó tránh.
Vấn đề là, các cơ quan chức năng, kể cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, cả cộng đồng phải có trách nhiệm đảm bảo làm sao rủi ro về thực phẩm giảm thiểu trong khả năng chúng ta có mà thôi.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng thưa ông, có cảm giác, càng thanh tra, kiểm tra nhiều thì số vụ vi phạm về thực phẩm bẩn lại càng phát hiện nhiều. Phải chăng, vấn đề ở đây đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng?
TS Nguyễn Thanh Phong: Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề rất lớn. Chúng ta phải cố gắng, không những chỉ là một tháng, mà là tất cả các đợt, các ngày trong năm. Theo tôi, chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa.
Trong thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta mới chỉ xử lý các cơ sở vi phạm, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm mà chúng ta chưa xử lý cán bộ quản lý buông lỏng trách nhiệm trước tình trạng này.
Sắp tới đây, Chính phủ chỉ đạo yêu cầu, ngoài chuyện xử lý các cơ sở có sản phẩm vi phạm, các tổ chức cá nhân vi phạm thì kể cả cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm, nếu buông lỏng, để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn thì dứt khoát phải xử lý cả cán bộ đó. Tôi cho rằng, đây là một động thái rất quyết liệt của Chính phủ mà chúng ta cần phải làm theo.
Cá biển chết hàng loạt tại miền Trung. |
Nhà báo Phạm Huyền:Gần đây, Bộ NN&PTNT có ra chỉ đạo cấm chế biến cá chết dưới mọi hình thức, liên quan vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung. Nhưng hôm qua, đã có tờ báo đưa tin xuất hiện thương lái thu gom cá chết với giá 50.000 đồng. Nếu chuyện này xảy ra, liệu cán bộ quản lý ở địa phương đó có chịu trách nhiệm hay không? Ông có tin rằng, liệu chỉ đạo trên sẽ được thực hiện nghiêm?
TS Nguyễn Thanh Phong: Nếu có vấn đề như thế, Bộ NN&PTNT đã cấm và về nguyên tắc, không được sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để chế biến thực phẩm cho người nên nếu xảy ra việc sử dụng cá chết chế biến làm thực phẩm cho người thì cán bộ quản lý ở đó, đặc biệt là chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Tôi cho rằng, không thể chỉ đổ trách nhiệm cho thương lái. Tất nhiên, thương lái có trách nhiệm đầu tiên, nếu dùng cá chết đó chế biến làm thực phẩm cho người là vi phạm pháp luật. Nhưng cán bộ quản lý, chính quyền địa phương ở đó nếu để việc đó xảy ra thì phải chịu trách nhiệm.
Tôi nói ví dụ về vụ rửa rau không đảm bảo chất lượng, người ta dùng nước cống rãnh để sở chế, rửa trước khi mang ra chợ. Việc này xảy ra không chỉ 1 buổi, 2 buổi, 1 ngày, 2 ngày mà tôi tin là việc đó xảy ra thường xuyên. Vậy thì, ở vụ này, chính quyền địa phương, cụ thể là ở xã đó, chủ tịch UBND xã mà không ngăn chặn việc đó thì tới đây, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể nói, ông cục trưởng ở trên bộ, ông thứ trưởng, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, xuống đó, đi xử lý, ngăn chặn việc đó.
Nhà báo Phạm Huyền:Liên quan đến chế tài, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ xử phạt còn rất nhẹ so với mức độ và sự nguy hại của vi phạm an toàn thực phẩm gây ra. Nhiều vụ vi phạm chỉ bị phạt 10-15 triệu. Ông nghĩ sao, khi Bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới thì hình phạt nặng nhất là phạt tù, tới 20 năm liệu có được thực hiện?
TS Nguyễn Thanh Phong: Theo tôi, đánh giá qua báo cáo các tỉnh, thời gian năm 2014-2015, nhiều địa phương xử lý chưa nghiêm. Có những địa phương, theo báo cáo, tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng chỉ phạt có 1-2 cơ sở, còn lại chủ yếu là nhắc nhở.
Bình quân một quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong vi phạm an toàn thực phẩm năm 2014 chỉ có 2 triệu đồng, năm 2015, tăng lên gấp rưỡi tức là chỉ có 3,5 triệu trong khi mức phạt của chúng ta luật cho phép rất cao. Luật cho phép khung phạt lên tới 200 triệu đồng, 1 tỷ tiền hàng hoá vi phạm có thể cho phép phạt gấp 7 lần, lên tới 7 tỷ đồng.
Đặc biệt, như bạn vừa nói, từ 1/7 tới, Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, cho phép xử lý hình sự. Tôi cho rằng, các khung hình phạt về vi phạm an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ. Vấn đề các cơ quan chức nang được giao thanh tra, kiểm tra, xử lý cần phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Bình luận