Trước khi vào phiên toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14, Phiên họp kín của các Bộ trưởng Y tế ASEAN được tổ chức với chủ đề “Nỗ lực của ASEAN trong công cuộc chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng”. Tại Phiên họp kín, các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp của quốc gia mình nhằm chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có bài phát biểu nhấn mạnh 03 thách thức lớn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong giai đoạn hiện nay, đó là:
1. Xu hướng toàn cầu hóa thương mại, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, trong đó có thuốc nhưng cũng đồng thời gây ra các nguy cơ và khó khăn trong việc kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa giả, kém chất lượng.
2. Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, trong đó có công nghệ in ấn, sản xuất bao bì thúc đẩy sản xuất phát triển nhưng cũng tạo điều kiện cho các hoạt động làm giả hồ sơ giấy tờ, bao bì, nhãn mác ngày càng tinh vi hơn và khó phát hiện hơn. Rất ít hoặc không có những dấu hiệu để nhận biết, phân biệt thuốc thật – thuốc giả bằng cảm quản và các phương pháp phân tích thông thường.
3. Hoạt động bán thuốc qua mạng internet: cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng mạng internet và các ứng dụng, sự thuật tiện và khả năng tiếp cận của tất cả người dân với qua mạng internet, việc bán thuốc qua mạng internet đang ngày một phổ biến trong khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến dự Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng y tế các nước Asean lần thứ 14 va cac hội nghị liên quan tại Siem Reap Campuchia ngày 29-30/8/2019
Trước những thách thức nêu trên, trong thời gian qua, Việt nam đã thực hiện đồng thời rất nhiều nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó đáng chú ý là nhóm giải pháp về thể chế và nhóm giải pháp minh bạch hóa hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng.
Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý dược của các nước ASEAN cần hợp tác hơn nữa thông qua các hoạt động tăng cường (1) Thiết lập thêm các thỏa thuận công nhận lẫn nhau liên quan đến các nội dung chuyên môn về dược như kỹ thuật trong sản xuất, thiết lập các tiêu chuẩn về dược cũng như triển khai một cách có hiệu quả các thỏa thuận hiện có. (2) Tăng cường chia sẻ các thông tin cấp phép lưu hành sản phẩm dược phẩm; hỗ trợ và tạo thuận lợi để giúp cơ quan quản lý dược nước thành viên khác có thể dễ dàng thẩm tra thông tin về các sản phẩm có xuất xứ từ nước mình; tăng cường tính hiệu quả của hệ thống báo cáo giám sát hậu mại (PMS) hiện nay của ASEAN để cơ quan quản lý dược các nước có thể sớm được tiếp cận được thông tin về thuốc giả, thuốc kém chất lượng và có các can thiệp kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây TBD về hợp tác trong lĩnh vực tế giữa Việt Nam và WHO.
Chiều ngày 29/8/2019, Phiên toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 được diễn ra và có chủ đề “Tăng cường Sức khỏe cho mọi người dân ASEAN”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã có bài phát biểu về chủ đề của Hội nghị. Bộ trưởng nêu rõ Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Bộ trưởng đã chia sẻ một số giải pháp chủ yếu như:
(1) Tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chú trọng tới tăng cường sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng ngừa bệnh tật là trọng tâm của đổi mới. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến y tế cơ sở được mở rộng và cung ứng dựa trên nguyên lý y học gia đình. Nguồn nhân lực y tế cơ sở được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo giám sát năm 2017 về UHC của WHO và WB, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam được đánh giá ở mức 73 điểm trong tổng số 100; trong khi mức điểm trung bình của các nước khu vực Đông nam Châu Á là 59 điểm và điểm trung bình của toàn cầu là 64 điểm.
(2) Để đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản mà không phải chịu gánh nặng về tài chính, ngân sách nhà nước bao phủ 100% dân số thuộc nhóm đối tượng đích cho các dịch vụ dự phòng, trong khi bảo hiểm y tế xã hội bao phủ gần 90% dân số cho các dịch vụ khám chữa bệnh. Chính phủ trợ cấp 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho đối tượng yếu thế và trợ cấp 70% mệnh giá cho người cận nghèo.
(3) Đổi mới cơ chế tài chính y tế. Đây được coi là một chính sách quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu công cho y tế đã tăng đáng kể từ năm 2000. Năm 2016, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam đạt mức 5,9% GDP và 129 USD/đầu người.
(4) Nhận thức được việc tăng thêm ngân sách cho y tế là rất khó khăn, do vậy, ưu tiên của Việt Nam là tận dụng tối đa nguồn lực tài chính sẵn có và tăng hiệu suất sử dụng nguồn tài chính thông qua một số giải pháp như: (i) Củng cố hệ thống cung ứng cung ứng dịch vụ y tế dựa trên nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu, chú trọng tới nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; (ii) Rà soát và xác định gói quyền lợi bảo hiểm y tế trên cơ sở lựa chọn các dịch vụ/thuốc có bằng chứng về chi phí-hiệu quả thông qua tiến hành đánh giá công nghệ y tế; (iii) Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế, chuyển từ hình thức thanh toán theo phí dịch vụ sang chi trả theo định suất và theo nhóm chẩn đoán DRG; (iv) giảm giá thuốc thông qua việc thực hiện mua sắm toàn quốc tập trung và đàm phán giá thuốc cũng như thúc đẩy việc sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia tiếp song phưong Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng cũng đã chia sẻ những thách thức Việt Nam gặp phải trong quá trình thực hiện đổi mới. Mặc dù chi phí tiền túi từ hộ gia đình đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao ở mức khoảng 40%. Các nguồn lực chủ yếu vẫn tập trung hơn vào các dịch vụ chữa bệnh trong khi kinh phí không đủ để chi cho các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng và y tế công cộng. Các nhóm đối tượng yếu thế (đặc biệt là người dân tộc và những người sống ở các tỉnh nghèo, miền núi) có chỉ số về sức khỏe thấp hơn mức trung bình và có khả năng tiếp cận thấp hơn tới các cơ sở y tế có chất lượng tốt. Sự chênh lệch về chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa nông thôn và đô thị vẫn còn tồn tại, gây nên tình trạng vượt tuyến trong khám chữa bệnh. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên với gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, mong đợi của người dân về chăm sóc sức khỏe tăng lên, cùng với sự phát triển của công nghệ cao và dịch vụ đắt tiền là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tài chính y tế bền vững.
Bộ trưởng đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng, đồng ý tiếp tục duy trì và sử dụng những lợi ích từ việc thực hiện Chương trình Phát triển Y tế ASEAN sau năm 2015 và tiến tới xây dựng các chương trình hành động mới và các dự án cho giai đoạn 2021 – 2025. Các Bộ trưởng cũng cam kết thúc đẩy già hóa lành mạnh và tích cực, đồng thời thừa nhận việc thành lập Trung tâm ASEAN về Tuổi già năng động và sáng tạo (ACAI) sẽ hỗ trợ các chính sách về già hóa tích cực, tăng cường năng lực và hợp tác giữa các quốc gia ASEAN về lĩnh vực này.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan.
Các Bộ trưởng cũng nhắc lại cam kết thúc đẩy các hành động để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; hợp tác và thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mới nổi và tái bùng phát; đồng thời ủng hộ sáng kiến Một ASEAN trong Ứng phó và quản lý thảm họa trong y tế. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về kháng kháng sinh (AMR); Ủng hộ việc hoàn thiện Kế hoạch hành động của WHO trong việc chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng bằng cách tăng cường cơ chế của các cơ quan quản lý Nhà nước; Hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Cam kết tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các quan chức cấp cao và các Nhóm Công tác chuyên môn trong việc tăng cường hợp tác và thực hiện Chương trình Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của các Đối tác phát triển, các Tổ chức quốc tế, các ngân hàng phát triển và các khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 cũng đã thông qua nội dung dự thảo Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về An ninh và tự lực vắc xin. Văn kiện này sẽ được đệ trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Thái Lan tháng 11/2019.
(Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp song phương với Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia, Ngài Mam Bunheng, để tìm hiểu về hệ thống y tế của Campuchia, trao đổi về tăng cường hợp tác và mở rộng phạm vi hợp tác trong thời gian tới giữa hai nước, đặc biệt là việc hợp tác trong phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2025. Bộ trưởng Y tế Campuchia đánh giá cao và đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ y tế cho Campuchia và công tác khám chữa bệnh cho người dân Campuchia trong thời gian tới tại các tỉnh biên giới. Bộ trưởng và đoàn cán bộ của Bộ Y tế Việt Nam đã đi thăm và làm việc tại Bệnh viện tỉnh Siem Reap, tìm hiểu về công tác khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Hai Bên đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã tham dự cuộc họp song phương với Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia để trao đổi về tăng cường hợp tác và mở rộng phạm vi hợp tác trong thời gian tới giữa hai nước.
Bên lề Hội nghị AHMM 14, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp với với TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WHO cho ngành y tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng chính sách trong công tác chăm sóc, phòng ngừa và tăng cường sức khỏe cho người dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị WHO khu vực hỗ trợ Việt Nam một số hoạt động trong thời gian tới nhằm thực hiện lộ trình Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bao gồm tổ chức Hội nghị quốc tế về phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam; hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính y tế để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Nhân dịp tham dự Hội nghị AHMM 14, nhằm tăng cường hợp tác y tế giữa Việt Nam và Indonesia, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, TS. Nila Farid Moeloek, đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Indonesia về Hợp tác Y tế. Hai bên nhất trí sẽ triển khai hợp tác song phương trong những lĩnh vực như: Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật; Dược phẩm và trang thiết bị y tế; Dịch vụ y tế; Y tế công cộng; Nghiên cứu và phát triển y tế và Y học cổ truyền. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất sẽ họp ít nhất 1 năm 1 lần để thảo luận, theo dõi và đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ này.
Ngày 28/8/2019, đoàn Việt Nam cũng đã tham dự hai sự kiện được tổ chức bên lề Hội nghị AHMM14 là: “Phân tích tình hình và các lựa chọn nhằm sản xuất thực phẩm và đồ uống lành mạnh hơn để xây dựng Tuyên bố chung của các Nhà Lãnh đạo ASEAN kêu gọi hành động” do Indonesia tổ chức và sự kiện “Tiến độ thực hiện Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Cập nhật của các quốc gia thành viên ASEAN năm 2019” do Thái Lan tổ chức)
Bình luận