Tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm tại Hà Nội và Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 10/04/2018 - Lượt xem: 4322

Với mục đích bổ sung, cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 103/2016/NĐ-CP, Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo có liên quan của Chính phủ; Giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện; Sửa đổi bổ sung, thay thế một số nội dung bất cập trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước.

Ngày 02/02/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 38/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012 Nghị định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Đây là một chính sách lớn của Chính phủ thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng tăng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng thực phẩm do mình sản xuất. Chỉ riêng việc doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng đối với đa số nhóm sản phẩm hàng hóa, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã tiết kiệm được hàng ngàn ngày công và hàng ngàn tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với quản lý thực phẩm nhập khẩu cũng đơn giản hóa đi rất nhiều so với trước đây, chỉ với những sản phẩm thuộc diện cảnh báo mới phải áp dụng hình thức kiểm tra chặt.

Thực hiện công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức 02 đoàn kiểm tra tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tập trung vào các tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh phụ gia thực phẩm. Chủ trì đoàn Công tác có: Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cùng đại diện các đơn vị chuyên môn của Cục An toàn thực phẩm; đại diện Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP; đại diện Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh; Chi Cục ATVSTP TP. Hà Nội; Chi Cục ATVSTP TP. Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Tại buổi làm việc đoàn tập trung vào công tác kiểm tra hồ sơ công bố, hồ sơ tự công bố của các doanh nghiệp (tập trung vào nội dung tự công bố và ghi nhãn sản phẩm), kiểm tra điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định. Bên cạnh đó đoàn hướng dẫn và giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP như: Các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm khi tự công bố/đăng ký bản công bố (Nguyên tắc xác định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; Các đơn vị kiểm nghiệm đủ điều kiện kiểm nghiệm); Các sản phẩm thuộc đối tượng miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu; Phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Đoàn đã ghi nhận các thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến quy định về quảng cáo phụ gia thực phẩm; Các hình thức tự công bố (đăng tải website Công ty, thông báo và dán tại trụ sở Công ty, nộp bản tự công bố cho Chi Cục ATVSTP địa phương).

Đại diện Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm lấy mẫu kiểm nghiệm

Những thay đổi căn bản trong kiểm soát về an toàn thực phẩm đối thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP:

- Bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm.

- Thay đổi cơ bản về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:

+ Phương thức kiểm tra giảm: trước đây là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, tại Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và chuyển hồ sơ cho cơ quan kiểm tra nhà nước. Như vậy, có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

+ Phương thức kiểm tra thông thường: là chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra hồ sơ, cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra, cứ sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.

+ Phương thức kiểm tra chặt: chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó. Tuy nhiên, thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 xuống còn 7 ngày.

Đoàn Công tác kiểm tra cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh

VFA

 

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top