Phóng viên: Xin chào đồng chí, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang đến gần và các ngành chức năng trong tỉnh Ninh Bình hiện bận rộn với công việc nhằm đảm bảo cho nhân dân đón tết an toàn, vui tươi. Đồng chí cho biết chủ trương của tỉnh trong dịp tết năm nay?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Năm nay tỉnh Ninh Bình có ba chủ trương lớn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Đó là tăng cường kiểm tra kiểm soát trên các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ để chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ về lãi suất tiền vay cho một số doanh nghiệp đầu mối có mạng lưới bán lẻ lớn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để sao cho mọi nhà, mọi người đều đón xuân vui vẻ.
Phóng viên: Đúng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng nhưng việc kiểm soát không dễ vì đối tượng di chuyển linh hoạt tại các phiên chợ quê. Đồng chí có phương án gì?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Ngay từ ngày đầu của năm 2014, tỉnh Ninh Bình tổ chức ba đoàn liên ngành, bao gồm các lực lượng chủ lực như công an, quản lý thị trường, thương mại, y tế, nông nghiệp, tài chính, khoa học và công nghệ... rồi chia làm ba mũi: trung tâm thành phố Ninh Bình, Ninh Bình - Kim Sơn, Ninh Bình - Nho Quan. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố thành lập đội riêng. Đoàn Liên ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, như sau:
Chủ động nắm bắt giá cả, cung cầu hàng hoá, dự báo tình hình, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường và chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giải và gian lận thương mại. Cụ thể:
Mặt hàng kiểm tra: Tất cả các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như rượu, thuốc lá, bia, nước giải khát, mứt bánh kẹo, thực phẩm các loại, nông sản, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm và các phụ phẩm gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mũ bảo hiểm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng, vàng bạc, ngoại tệ, băng đĩa hình, băng đĩa tiếng, xăng dầu, gaz... kiểm tra việc thu phí theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Đối với những cửa hàng, đại lý lớn thì nội dung kiểm tra của các đoàn liên ngành tập trung vào khâu nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Nét mới ở công tác phòng chống buôn lậu năm nay là tỉnh Ninh Bình kiểm tra khá toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao để trục lợi, gây bất ổn thị trường.
Một số thiết bị đo lường tại các trung tâm thương mại, hay chợ đầu mối phải kiểm tra độ chính xác (cân, đong, đóng gói hàng hoá), chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng quá hạn sử dụng, kiểm dịch, nhiễm vi sinh vật. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ xâm nhập cao qua việc vận chuyển gia cầm giữa các tỉnh và các huyện trong tỉnh.
Phóng viên: Tôi được biết tỉnh Ninh Bình còn có chủ trương hỗ trợ lãi suất để giúp bình ổn giá, có gì khác so với năm trước?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Đúng là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bình ổn giá trên địa bàn ở tỉnh Ninh Bình có điểm mới so với các năm trước. Đó là những doanh nghiệp thực sự đang hoạt động có hiệu quả và có nhiều cửa hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn là đại lý thì mới được tỉnh xét cho vào diện được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, không hẳn là hỗ trợ 100% lãi suất như những năm trước mà chỉ hỗ trợ khoảng 30% lãi suất trong thời gian hai tháng (khoảng 244 triệu đồng lãi suất của hơn 240 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay đầu tư mua hàng hoá dịp tết Giáp Ngọ). Đây là nguồn tiền thuộc chương trình xúc tiến thương mại năm 2013 còn dư và kinh phí chương trình xúc tiến thương mại năm 2014.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đang dự trù nguồn tiền để hỗ trợ hàng trăm nghìn gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công, gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, thương binh để mọi người, mọi nhà đều đón Xuân Giáp Ngọ vui tươi đầm ấm.
Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí. Năm mới chúc đồng chí và gia đình cùng nhân dân Ninh Bình đón xuân mới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Nguồn: nhandan.org.vn
Bình luận