Nấm độc tán trắng: phân biệt bằng kinh nghiệm là rất mạo hiểm

Ngày đăng: 02/04/2014 - Lượt xem: 10396

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đã xảy ra 3 vụ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên, loại nấm độc tán trắng. Các bệnh nhân dù được cấp cứu, điều trị tích cực tại TT chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhưng bệnh trạng diễn biến rất phức tạp, khó tiên lượng do độc tố nấm gây tổn thương gan rất nặng nề. Hiện tại đã có 7 trong tổng số 14 nạn nhân bị ngộ độc nấm tử vong.

Nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna. Đây là loại nấm mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác...Nấm tán trắng được phân bố ở khắp nơi trên thế giới và thấy nhiều ở châu Âu, châu Mỹ và Canada. Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ. Chúng thường mọc ở các khu vực ven rừng vầu, tre, trúc, cọ và một số khu rừng với nhiều loài cây mọc thưa. Những khu vực có nấm độc tán trắng mọc năm nay thì năm sau thường mọc lại vì khu vực này có các bào tử nấm phát tán ra.

Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể bị tử vong.

Đặc điểm hình dáng:

Nấm tán trắng non chưa xòe mũ

Nấm độc tán trắng non chưa xòe mũ

- Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5 – 10 cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống.

- Phiến nấm: Màu trắng.

- Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ.

- Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.

- Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.

Do bề ngoài nấm tán trắng rất mập, trắng nên người dân dễ nhầm lẫn với các loại nấm ăn được. Thực tế, để phân biệt nấm độc tán trắng với các loại nấm trắng ăn được không đơn giản ngay cả với các nhân viên y tế cũng như người giàu kinh nghiệm. Vì thế người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.

Nấm tán trắng đã xòe mũ

Nấm độc tán trắng đã xòe mũ

Đặc điểm ngộ độc do nấm độc tán trắng:

 Độc tính amanitin có trong nấm tán trắng không mất khi đun sôi hoặc sấy khô. Độc tố của nấm tác dụng lên tế bào gan gây hoại tử gan, thải trừ qua nước tiểu, sữa gây ngộ độc cho trẻ còn bú sữa. Triệu chứng đầu tiên sau ăn nấm xuất hiện muộn (6 – 24 giờ), trung bình khoảng 10 - 12 giờ với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy toàn nước rất nhiều lần. Tiếp theo xuất hiện suy gan, suy thận (vàng da, tiểu nhiều, tiểu ít, hôn mê) và tử vong.  

Sơ cứu khi bị ngộ độc nấm

 Khi có người có biểu hiện ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều.

Uống than hoạt: Liều 1g/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu người bệnh hôn mê, co giật: Cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. Khi đã được điều trị tại cơ sở y tế không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.

Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top